(TSVN) – Nguồn cung tôm nguyên liệu giảm dần trong khi nhu cầu thu mua của doanh nghiệp cao đang đẩy giá tôm tăng mạnh. Tuy nhiên, cuối năm cũng là thời điểm phát sinh nhiều dịch bệnh, do vậy, để đảm bảo lợi nhuận, người nuôi cần chủ động các biện pháp ứng phó.
Ghi nhận tại vùng nuôi tôm ở tỉnh Bến Tre, hiện giá TTCT trên địa bàn tỉnh tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2020. Theo đó, tôm loại 100 con/kg có giá từ 100.000 – 105.000 đồng/kg, tôm loại từ 30 – 40 con/kg có giá từ 170.000 – 185.000 đồng/kg. Sau hơn một năm giá giảm mạnh, mức giá tăng cao như hiện nay đã giúp người nuôi thu lãi khá.
Ông Nguyễn Văn Trung (xã Bình Thới, huyện Bình Đại) cho biết, gia đình vừa thu hoạch 1 ao hơn 4 tấn tôm, bán với giá 125.000 đồng/kg. Với mức giá nói trên, người dân có lời từ 30.000 – 35.000 đồng/kg. Ông Dương Văn Tâm (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú) chia sẻ, ông vừa thu hoạch 8 tấn tôm loại 30 con/kg, bán với giá 175.000 đồng/kg tăng hơn 45.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm 2020.
Các thương lái cũng nhận định, thời điểm hiện nay giá tôm tăng cao do thị trường xuất khẩu “ăn hàng” trở lại, ngoài TTCT, giá tôm sú, tôm càng xanh tăng từ 10 – 15%. Mặt khác, gần đến Tết Nguyên đán nên thị trường trong nước tiêu thụ mạnh. Hơn nữa, đây là thời điểm thời tiết gây bất lợi cho nuôi tôm nên sản lượng tôm trong nước giảm mạnh, do đó giá TTCT tăng nhanh.
Không chỉ có Cà Mau, mà giá tôm tại hầu hết các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung. Tại Bạc Liêu, giá tôm nguyên liệu đầu tháng 12 tăng đột biến, có loại tăng đến gần 100.000 đồng/kg, người nuôi tôm rất phấn khởi. Cụ thể, TTCT loại 20 con/kg có giá 200.000 đồng/kg, loại 25 con/kg giá trên 180.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 164.000 đồng/kg; tôm sú loại 20 con/kg giá từ 200.000 – 230.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá từ 160.000 – 190.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 135.000 – 155.000 đồng/kg…; tăng trung bình từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Riêng tôm sú ôxy có giá tăng đột biến, đang đứng ở mức cao, dao động từ 180.000 – 370.000 đồng/kg. Cụ thể, tôm loại 20 con/kg có giá 370.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 280.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, tăng trung bình khoảng 100.000 đồng/kg.
Vụ tôm nước lợ năm 2020 ở ĐBSCL về cơ bản đã kết thúc trên diện rộng với tỷ lệ thành công khá cao. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản các tỉnh, hiện mỗi địa phương chỉ còn khoảng một vài nghìn ha chủ yếu là số diện tích nuôi lót bạt 2 – 3 giai đoạn, trong khi số diện tích thả mới theo ghi nhận là không đáng kể, nguyên nhân chính là do điều kiện nuôi chưa mấy thuận lợi.
Đối với những diện tích thả nuôi đúng theo lịch thời vụ năm 2020 (kết thúc thả giống vào cuối tháng 9) đến thời điểm này có thể nhận định phần lớn đều không đáng lo vì tôm sắp đến thời điểm thu hoạch. Tuy nhiên, đối với những diện tích mới thả nuôi từ giữa tháng 10 đến nay và kể cả những diện tích sắp thả nuôi từ đầu năm 2021 theo khung lịch thời vụ mới sẽ gặp không ít khó khăn, nhất là về thời tiết và dịch bệnh. Những đợt mưa cuối mùa khá lớn diễn ra trên diện rộng và kéo dài, môi trường tại một số vùng nuôi có sự biến động mạnh, gây sốc và làm giảm sức đề kháng tôm nuôi, tạo điều kiện cho một số dịch bệnh nguy hiểm phát sinh, nhất là bệnh đốm trắng (WSSV) và vi bào tử trùng (EHP). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân chưa dám thả nuôi sớm do lo ngại rủi ro.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau, tình hình dịch bệnh trên tôm mấy năm gần đây không mấy phức tạp vì người dân đã ý thức chọn lựa con giống chất lượng, có xét nghiệm, biết cải tạo ao và xử lý nước đúng theo quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với những diện tích nuôi quảng canh, từ nay đến cuối năm người nuôi cần lưu ý triều cường và hạn mặn. Tại những vùng nuôi bị ảnh hưởng triều cường, người nuôi cần tôn cao bờ, theo dõi dự báo để xử lý kịp thời. Còn những vùng nuôi sâu trong nội đồng hiện độ mặn đang tăng dần, nên khi thả giống phải có ao chứa nước đủ lớn để khi nhiệt độ hay độ mặn tăng cao có nguồn nước để thay hoặc bổ sung.
>> Hiện tôm nuôi đang có giá cao, thế nhưng mức giá này có thể giữ vững trong những tháng đầu năm 2021 hay không phụ thuộc rất nhiều vào cung – cầu thế giới. Chưa kể, nuôi tôm hiện vẫn đối mặt với những khó khăn nhất định về thời tiết, dịch bệnh và nhất là nguồn vốn để đầu tư. |
Xuân Trường
Hy vọng mọi thứ sẽ ổn hơn ở năm 2021. Chúc bà con vụ nuôi thuận lợi