Con cá ngừ đại dương đã trở thành thương hiệu mạnh của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng cuộc đời những người kiếm được nó vẫn lam lũ như thủa nào. Cá ngày một ít đi, giá cá tăng không đuổi kịp giá dầu. Vàng câu ngày một dài, giờ đã tới 40 km, gấp đôi so với cách đây 10 năm, chuyến câu cũng dài cả tháng, gấp đôi xưa…
Kỳ 2: Ánh đèn côi cút trên biển đêm
Ngôi nhà không chỗ ngủ
Con tàu chia làm 3 phần chính: Hầm chứa đá, cá, thực phẩm, trên nóc hầm là boong tàu dùng làm nơi tác nghiệp, phần này như cái dạ dày của con tàu. Hầm máy, như trái tim con tàu. Trên nóc hầm máy, một khoang nhỏ chừng 10 mét vuông, phần thứ ba của con tàu, đó là phần nhà ở của anh em ngư dân. Tất thảy cuộc sống 10 anh em trên tàu nằm trong diện tích ấy, bếp cũng trong ấy, cả chỗ lái tàu của thuyền trưởng cũng ở đó. Mọi đồ đạc treo, gài trên vách, trên nóc tàu, ăn trên sàn ấy, sửa máy, nghỉ, chơi… Chỗ ngủ trên tàu? Không có diện tích nào có tên là giường ngủ, vậy nên mọi nơi đều là chỗ ngủ. Bữa ăn, cả tôi nữa là 11 người, xếp nhau ngồi nghiêng mới đủ chỗ. Chỗ ngủ “ngồi đủ thì nằm cũng đủ”, nghiêng nhau mà nằm, tráo đầu đuôi mà nằm, anh nào vào muộn hết chỗ, lách lưng vào, vài nhịp lắc, dồn lại là đủ chỗ nằm. Thực ra cũng ít khi có đủ cả mọi người cùng ngủ, chuyện chen kiểu ấy có nhưng hãn hữu lắm. Cả đêm, hết câu mực đến bủa câu, đến kéo câu, ngày cũng chỉ có vài giờ còn lại thay nhau ngủ.
Chuẩn bị bữa ăn trên biển
Mưa thì “trong nhà dột như ngoài boong”, ngày đầu chưa quen tôi loay hoay không ngủ nổi, sau quen dần, mặc nước mưa, cứ ngủ thiếp đi là xong. Cố không để nước nhỏ thẳng vào mặt, vào bụng là ổn. Ngủ dậy đầu tóc quần áo ướt lướt thướt cũng đành, còn đồ khô thì thay, hết thì cứ thế, tí nó khô hoặc ướt tiếp. Với tôi thấy hơi khó chịu, chứ với anh em “chuyện nhỏ”, cả ngày mưa ướt, ngủ ướt thêm chút có sao. Đêm đánh lưới, thay nhau “nạp điện” 15 phút thì khỏi cần cởi áo mưa. Từ nạp điện tôi nghe lần đầu vào đêm bủa câu đầu tiên, cậu Minh một bạn thuyền vào bảo “nạp điện tí” rồi lăn ra ngủ, chừng 15 phút sau lồm cồm bò dậy ra khoang làm tiếp. Hỏi thuyền trưởng Giành, anh cười bảo: Nạp điện là ngủ tranh thủ, anh em phải thay nhau, nếu không ngủ gục ngoài boong mất. Tôi hay thức xem anh em đánh câu, mới đầu anh em cứ thắc mắc sao tôi không ngủ, có người còn nói với nhau “ổng kỳ thiệt, được ngủ mà không ngủ”. Được ngủ ở trên tàu cho đã một giấc là chuyện lớn. Mẻ câu bủa hơn 4 giờ, mẻ kéo hơn 5 giờ, câu mực hơn 3 giờ, cộng cả phụ trợ trước sau một ngày làm trên boong 15-17 giờ. Những ngày “khát nước” đánh liền hai mẻ câu hay 2 ngày đánh 3 mẻ thì chỉ còn 2-3 giờ để thay nhau ngủ. Giấc ngủ cho no, cho đã chỉ có khi tàu đi ra, đi về, khi tàu chạy tìm ngư trường mới, cả thảy có 6 đêm như thế. Tàu không có chỗ ngủ, đâu có sao, không có thì đâu cũng là chỗ ngủ được. Giữa trời mưa, ngẹo đầu vào đống phao mà tranh thủ ngủ vài phút cũng được, vài phút ấy khỏe hẳn người.
Cái thắc mắc ban đầu của tôi: “sao không làm cái phòng rộng một chút, hay cơi nới lên trên thêm tầng nữa” sau này sóng gió trả lời. Làm rộng thêm, cao thêm là tăng tiết diện đón gió đều rất nguy hiểm. Muốn làm được thêm vài mét vuông ở nữa thì phải thêm công suất máy, tăng phần thân tàu, tăng… Đầu tư tăng gấp đôi, cả tỉ bạc, hao tổn dầu cũng tăng, cái gì cũng tăng chỉ có miếng chia phần mang về cho vợ con ở nhà giảm thôi.
Chuyện bếp núc trên tàu
Nếu ngủ là “sạc tí điện” thì ăn trên tàu thực sự là cái “để mà sống”. Phí tổn chuyến đi chừng 130 triệu đồng có 5 triệu dành mua thực phẩm. Tất tật từ gạo, thịt, dầu ăn đến cả chục kg cà phê cũng nằm trong cái gói tiền ấy. Gói thực phẩm 5 triệu cho 10 người thêm tôi là 11 cùng với cả trăm chú chuột. Bọn chuột ăn không xin phép, cứ cái gì ngon là “chủ động” xơi trước, các chú thích nhất là món rau, củ,… ăn cho mát ruột. Nửa đầu chuyến đi, bữa cơm còn có đủ rau, thịt, sau giảm dần, 10 ngày cuối thì món rau, thịt biến hẳn khỏi bữa ăn. Bữa cơm toàn cá, nói hơi quá chứ ăn cá mãi, thấy như ăn rơm vậy, nhạt thếch miệng. Có ít củ để dành cuối chuyến, khi tìm đến thì chỉ còn túi.
Công bằng mà đánh giá thì đầu bếp trên tàu, cậu Nghiên nấu ăn có thể gọi là “khối bà nội trợ phải phục”. Không làm ngon thì bị loại liền, ngoài Nghiên trên tàu còn có 9 đầu bếp khác, kể cả thuyền trưởng Giành. Ai đi bạn việc đầu tiên cũng là làm bếp, ít thì 2 năm, nhiều tới 6 năm, thuyền trưởng Giành cũng từng 4 năm làm bếp. Đầu bếp nấu ăn lơ mơ là “các sư phụ” mắng cho liền, anh nào cũng sẵn sàng sắn tay vào “làm cho chú biết”. Về chế biến cá, món ăn chủ lực trên tàu có thể gọi là “bậc nhà hàng”. Từ luộc, nấu, xào đến nướng, chả, gỏi… món gì cũng ngon, chỉ có điều… nhiều quá.
Đàn ông mãi vẫn là đàn ông, chuyện làm bữa ăn có khéo mấy cũng vẫn cứ thô thô, sao ấy. Việc chia cho đều bữa cũng vậy, bữa nhiều, bữa ít, lổm nhổm lắm. Cuối chuyến mọi thứ rơi vào tình trạng hết sạch. Những thứ như không thể thiếu cho món cá như ớt, tiêu cũng hết, đến cà phê, cả chục ký cũng hết từ ngày thứ 23.
Có một chuyện trong ngôi nhà của những người đàn ông ấy mà tôi rất nể là đoàn kết. Dù khó khăn, nghiệt ngã đến thế nào anh em cũng không cãi nhau, vặc nhau, đổ lỗi cho nhau. Trong chuyến đi có chặng mười mấy ngày không cá mà anh em vẫn vui vẻ làm, chờ “Bà, Cậu rồi sẽ cho”. Khi về đến bờ chia tiền mỗi người được hơn triệu bạc cho cả chuyến đi, anh nào cũng hơi buồn nhưng không ai cất tiếng ta thán. Nhận đồng tiền chia ít ỏi xong, đưa ngay cho vợ, mình lại xuống tàu chuẩn bị dầu, đá cho chuyến biển mới. Khi tôi đang ngồi viết những dòng cuối của bài này thì nhận được điện của Giành chào, ngôi nhà của các anh sau 4 ngày ở bờ lại xuất hành ra biển.
>> Trong năm, tính theo tháng thì 3/4 thời gian, nếu tính chi li theo ngày thì 2/3 thời gian, anh ngư dân sống ở trên thuyền. Thuyền thực sự là nhà của cái tập thể ngư dân ấy, cùng với những ngôi nhà trên bờ “của vợ con, còn mình là… khách trọ”. |