Ngư dân cần được tiếp sức

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngư trường ngày càng xa hơn, sản lượng cá đánh bắt lại giảm dần, chi phí mỗi chuyến biển tăng liên tục, thiên tai địch họa rình rập hàng ngày, cơ hội vay vốn tín dụng cho sản xuất thấp và khó… đã và đang khiến ngư dân đuối sức. Họ đang rất cần được tiếp sức.

Khó chồng khó

Những năm qua, khai thác thủy sản nước ta đã phát triển nhanh, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội. Đến năm 2011, số tàu cá nước ta có 128.000 chiếc, tổng công suất máy tàu hơn 7 triệu CV; kim ngạch xuất khẩu hải sản đạt gần 2 tỷ USD, chiếm hơn 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6,1 tỷ USD của cả nước, thu hút trên 600.000 lao động trực tiếp trên biển.

Sự hiện diện dân sự của tàu thuyền và ngư dân Việt Nam trên các vùng biển, đảo đã góp phần khẳng định chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, giảm tình trạng tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam khai thác trộm thủy sản, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trên biển.

Tuy nhiên, ở nơi đầu sóng ngọn gió, ngư dân phải đối diện nhiều khó khăn, thách thức, mỗi năm họ phải đương đầu với từ 7 – 10 cơn bão và diễn biến phức tạp của thời tiết. Những bất ổn về an toàn hoạt động đối với ngư dân, phương tiện và tài sản trên biển ngày càng nhiều.

Hơn nữa, chi phí sản xuất tăng cao khiến lợi nhuận cho một chuyến biển của bà con ngư dân giảm đáng kể, nhất là đối với các tàu đánh bắt xa bờ. Giá xăng dầu tăng cao đã khiến chi phí nhiên liệu một chuyến ra khơi của bà con ngư dân tăng lên rất nhiều và chiếm tới trên 2/3 chi phí chung. Giá các loại vật tư lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng tăng theo từ 25 – 30%, trong khi giá cả thủy sản khai thác bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, bị các đầu nậu, tư thương ép giá, ép cấp. Những khó khăn trên đã khiến nhiều chủ tàu bị thua lỗ, nhiều tàu phải nằm bờ, hoặc hoạt động cầm chừng.

 

Chính sách xa thực tế

Trong những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ và bảo vệ ngư dân sản xuất, nhất là sản xuất ở các vùng biển xa. Điển hình nhất là hai quyết định quan trọng của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 289/2008/QĐ-TTg ngày 18/3/2008; Quyết định số 696/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 về chính sách hỗ trợ cho ngư dân là hộ chính sách, hộ cận nghèo. Mặt khác, nhằm khuyến khích đẩy mạnh đánh bắt xa bờ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

Sản phẩm khai thác từ Trường Sa – Ảnh: Xuân Trường

Như vậy về mặt pháp lý, ngư dân được hỗ trợ nhiều hơn, tăng thêm thời gian sản xuất trên biển, đầu tư sắm mới phương tiện, ngư lưới cụ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, những quyết định này đã xuất hiện nhiều hạn chế, chưa thực sự “đến tay” ngư dân. Các quyết định có giá trị ở tầm vĩ mô nhưng khi thực thi thì sự nhiêu khê, phức tạp của thủ tục khiến ngư dân khó tiếp cận được lợi ích mà họ được hưởng.

Mặt khác, điều ngư dân cần nhất là vốn để đóng mới, cải hoán tàu, thuyền và mua sắm ngư cụ nhưng việc tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Muốn vay được phải có thế chấp, trong khi nhiều ngư dân không còn tài sản thế chấp. Hoặc, thế chấp giá trị thấp, trong khi tàu cá là phương tiện sản xuất có hệ số rủi ro cao nên ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay nhỏ. Hơn nữa, thời gian vay vốn thường là 12 – 36 tháng, thậm chí chỉ 6 tháng đến 1 năm. Với thời gian đó, các chủ tàu gặp rất nhiều khó khăn khi trả lãi gốc. Thậm chí không ít chủ tàu đã phải vay nóng để làm thủ tục đáo hạn.

 

Trông chờ “cứu tinh”

Xuất phát từ thực tiễn trên, nhằm hỗ trợ ngư dân khắc phục một phần khó khăn về vốn để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền tham gia hoạt động trên các vùng biển xa, đồng thời động viên, khuyến khích ngư dân ổn định sản xuất, tăng cường bám biển, Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam đã và đang tích cực vào cuộc. Với tư cách là tổ chức xã hội mang tính toàn quốc thường xuyên chăm lo đến công tác từ thiện xã hội, nhằm quyên góp những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ ngư dân gặp khó khăn, trong 15 năm qua Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam đã vận động được hơn 14 tỷ đồng từ sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân. Quỹ đã cứu trợ 52.000 phao cứu sinh cho ngư dân 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước, đồng thời, cứu trợ cho hơn 2.000 ngư dân bị tai nạn và bị chết khi đi biển, hỗ trợ cho hàng nghìn ngư dân sửa chữa tàu thuyền hư hỏng…

Hoạt động của Quỹ không vì mục đích lợi nhuận mà vì lợi ích ngư dân. Mục tiêu tiếp nhận nguồn vốn ngân sách, tổ chức quản lý và thực hiện hỗ trợ tăng thêm nguồn lực tài chính phát triển năng lực tàu cá đánh bắt tại vùng biển xa. Đồng thời, huy động sự đóng góp tài chính, vật chất một cách hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ, động viên kịp thời ngư dân trên cả nước khi gặp khó khăn do thiên tai, tai nạn…

Sự vào cuộc của Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam đang là yếu tố quan trọng, tạo động lực để giúp ngư dân vững tin vươn khơi.     

>> Ngày 17/12/1996, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ký Quyết định số 1145/QĐ-BTS thành lập Quỹ Nhân đạo Nghề cá Việt Nam. Hội đồng quản lý Quỹ có 11 thành viên, bà Nguyễn Thị Hồng Minh làm Chủ tịch. Ngày 24/2/2006, Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản ký Quyết định số 124/QĐ-BTS thay đổi, bổ sung thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, ông Lương Lê Phương (Thứ trưởng) làm Chủ tịch.

Thu Hồng

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!