Thời tiết thuận lợi cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất giúp cho năng suất cam, bưởi của Hà Nội tăng đáng kể. Tuy nhiên, giá bán các loại quả này trên thị trường lại giảm sâu so với năm ngoái. Để khắc phục tình trạng được mùa, mất giá, người trồng, hợp tác xã, cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là cải thiện các khâu kiểm soát diện tích trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thị trường tiêu thụ.
Tất bật với những đơn hàng cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng dịp cuối năm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Lê Văn Lanh cho biết: “Năm nay được mùa, sản lượng bưởi Diễn của cả xã lên tới hơn 2 triệu quả, giá bán 20-25 nghìn đồng/quả. Thời điểm này, 60% lượng bưởi của chúng tôi đã được bán cho các thương lái, siêu thị, chuỗi cửa hàng”. Ông Nguyễn Hải Sơn, thôn Đồi Miễu, xã Nam Phương Tiến thông tin thêm: “Năm nay, thời điểm bưởi ra hoa, kết trái thời tiết rất thuận lợi, thêm nữa trồng bưởi theo hướng VietGAP nên mã đẹp, năng suất cao. Nếu như mọi năm 1 ha bưởi cho 3.000 quả thì năm nay được khoảng 4.000 quả”.
Nông dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) thu hoạch bưởi Diễn
Các vườn bưởi tại xã Cát Quế, huyện Hoài Đức cũng nhộn nhịp người mua, bán. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế Lê Thế Mỹ cho biết, xã có 106 ha trồng bưởi, trong đó có 90 ha bưởi Diễn. Các loại bưởi của Cát Quế đã xây dựng được thương hiệu, có tem nhãn nên đến nay gần 50% sản lượng bưởi Diễn của xã đã được các siêu thị, chuỗi cửa hàng và thương lái đặt mua.
Còn tại các vùng trồng cam Canh của Thủ đô như xã Vân Canh, Đắc Sở (huyện Hoài Đức); xã Kim An (huyện Thanh Oai)…, do thời tiết thuận lợi, chăm sóc tốt nên năng suất cao hơn mọi năm 10 – 15%…
Tuy nhiên, giá bán cam, bưởi của Hà Nội lại giảm mạnh so với mọi năm. Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Võng La (huyện Đông Anh) cho biết: “Cam Vinh đang cho thu hoạch, giá bán tại vườn cho thương lái chỉ 10 – 12 nghìn đồng/kg; cam Canh thì tháng tới thu hoạch song thương lái đặt mua chỉ 30 – 35 nghìn đồng/kg. Thời điểm này năm 2019, giá cam Canh tại vườn là 40 – 50 nghìn đồng/kg”. Tương tự, theo ông Nguyễn Văn Khoa (xã Kim An, huyện Thanh Oai), năm nay, giá bán cam, bưởi giảm. Bưởi Diễn loại 1 chỉ bán được 23 nghìn đồng/quả, còn cam Canh giá 30 nghìn đồng/kg.
Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin: “Giá cam, bưởi giảm khá mạnh, từ 15% đến 20% so với năm trước. Nguyên nhân là do năm nay được mùa, nên nguồn cung tăng. Mặt khác, cam, bưởi của Hà Nội chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các vùng chuyên canh cam, bưởi của Hưng Yên, Bắc Giang, Hòa Bình…”.
Để khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá” với cam, bưởi của nông dân Thủ đô, bà Hoàng Thị Hòa cho biết, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương, hỗ trợ người dân cải tạo nguồn giống, nguồn đất, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ, phân phối xây dựng một số mô hình theo chuỗi liên kết giá trị để bảo đảm đầu ra ổn định.
Dưới góc độ một nhà sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất bưởi an toàn Quế Dương (xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) Nguyễn Như Hảo, cho rằng: “Mấu chốt để tránh tình trạng “được mùa, mất giá” là duy trì chất lượng, xây dựng được thương hiệu, sản xuất an toàn, hữu cơ”. Ông Hảo dẫn chứng, nhiều vùng bưởi Diễn ở Hà Nội đang bán cho thương lái với giá 20 – 25 nghìn đồng/quả, tuy nhiên hợp tác xã đã bán được 3.000 quả với mức giá 35 – 40 nghìn đồng/quả, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGap và có dán nhãn xuất xứ rõ ràng.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, với cây bưởi, Sở sẽ tích cực triển khai “Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 5343/QĐ-UBND (ngày 30-11-2020) của UBND thành phố, tại các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Xuyên…; đồng thời ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt trong khâu bảo quản, để nâng cao chất lượng. Với cây cam, tập trung cải thiện giống cam Canh đang bắt đầu thoái hóa, kiểm soát chặt diện tích, tránh trồng tràn lan. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ hỗ trợ đối đa việc xây dựng thương hiệu, phát triển theo chuỗi…
“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc giới thiệu cam, bưởi trên các sàn giao dịch nông sản để quảng bá, xúc tiến thương mại, tạo thị trường tiêu thụ ổn định”, ông Tạ Văn Tường nói.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, toàn thành phố có 620 ha trồng cam, trong đó 80% diện tích là cam Canh; 6.300 ha trồng bưởi (60% là bưởi Diễn). Cam, bưởi cùng với chuối và nhãn là 4 loại cây ăn quả chủ lực của Hà Nội (chiếm khoảng 62% diện tích).