(TSVN) – Thời gian qua, để triển khai Luật Thủy sản năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã lỗ lực ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý cho quản lý giống thủy sản được chặt chẽ, góp phần nâng cao chất lượng con giống.
Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng giống thủy sản đã thực hiện truy xuất nguồn gốc giống thủy sản tại các cơ sở chọn tạo và xuất khẩu giống thủy sản bố mẹ vào Việt Nam. Nhằm ngăn chặn giống bố mẹ không đảo bảo chất lượng nhập khẩu vào nước ta, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước; Tổng cục Thủy sản đã tổ chức kiểm tra cơ sở chọn tạo, xuất khẩu TTCT bố mẹ tại Thái Lan và Singapore. Tổng cục đã kiểm tra và đề nghị tạm dừng nhập khẩu đối với 2 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ tại Thái Lan do không đảm bảo chất lượng.
Để minh bạch nguồn gốc con giống trong nước, hạn chế con giống kém chất lượng, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với các địa phương, Cục An ninh Kinh tế Nông, Lâm, Ngư nghiệp (A04) tiến hành kiểm tra và xử phạt nhiều cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản vi phạm; buộc tiêu hủy/chuyển mục đích sử dụng số lượng lớn giống thủy sản bố mẹ, con giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, không thực hiện kiểm dịch.
Ngoài ra, nhằm quản lý chặt chẽ giống tôm nước lợ giữa vùng sản xuất tôm giống tập trung và vùng nuôi tôm trọng điểm của cả nước, năm 2018 và 2019, Tổng cục Thủy sản đã triển khai việc ký Quy chế phối hợp về quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương nơi sản xuất và nơi tiêu thụ tôm giống. Điều này nhận được sự đồng thuận cao của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội; góp phần hạn chế những bất cập, khó khăn giữa các khâu sản xuất – lưu thông – sử dụng tôm giống.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ghi nhận nhiều thành tựu nổi bật trong chọn giống thủy sản. Như: Chương trình chọn giống cá rô phi dòng GIFT tại Viện Nghiên cứu NTTS I đã chọn được đàn cá rô phi có sức tăng trưởng tăng 16,6% qua 2 thế hệ bằng phương pháp chọn lọc gia đình. Chương trình chọn giống tôm sú theo tính trạng tăng trưởng tại Việt Nam được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu NTTS II qua các thế hệ G1, G2, G3 đã thành công nổi bật. Chương trình chọn giống cá tra về tăng trưởng và tỷ lệ fillet được Viện Nghiên cứu NTTS II thực hiện trong giai đoạn 2010 – 2012 đã tính toán được hệ số di truyền thực tế tính trạng tăng trưởng (0,24 – 0,28), hiệu quả chọn lọc thực tế tính trạng tăng trưởng ở mức trung bình đến cao từ 7,9 – 18,2% trên thế hệ (Viện Nghiên cứu NTTS II, 2015).
Nhằm chủ động nguồn giống phục vụ sản xuất, không chỉ tại các địa phương mà nhiều doanh nghiệp đã tiên phong trong nghiên cứu, sản xuất để cho ra đời những nguồn giống thủy sản chất lượng nhất, thích ứng với đa dạng loại hình sản xuất; mang lại năng suất, hiệu quả cao hơn. Điển hình như Công ty TNHH Uni-President Việt Nam đã không ngừng đổi mới trong sản xuất, sử dụng nguồn tôm bố mẹ chất lượng nhất (SIS Superior); hay Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P cũng nghiên cứu ra dòng tôm giống chuyên dùng độ mặn thấp (CPF-Turbo Fresh) được coi là bước đột phá cho vùng nuôi tôm độ mặn thấp; hay Tập đoàn Việt – Úc với khát vọng “Nâng tầm tôm Việt” cũng đầu tư trại sản xuất tôm giống hiện đại, quy mô lớn tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2019 với mục tiêu phấn đấu sản xuất hơn 1 tỷ con giống TTCT, tăng gấp đôi so năm 2020; trong đó, nguồn giống phục vụ trong tỉnh chiếm 60%, còn lại 40% phục vụ các tỉnh từ Hải Phòng đến Hà Tĩnh.
Có thể thấy, chất lẫn lượng giống thủy sản ngày càng được nâng cao, đáp ứng kỳ vọng của người NTTS trên khắp cả nước. Kết quả đó là minh chứng rõ rệt nhất cho sự nỗ lực của toàn ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực giống thủy sản nói riêng.
Ngọc Ngọc