Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong những năm gần đây cá hồi và cá tầm (gọi chung là cá nước lạnh) đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng của địa phương.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là khi phát triển nghề nuôi thủy sản ở quy mô lớn, thường kèm theo bệnh dịch gây tổn thất không nhỏ cho nghề nuôi.
Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, đã tìm thấy ít nhất sáu loài ký sinh trùng ở cá hồi, với tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,3-38%; đồng thời phát hiện ba loài ký sinh trùng ở cá tầm nuôi ao và năm loài ký sinh trùng ở cá tầm nuôi lồng.
Thu hoạch cá tầm. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Các nhà khoa học không phát hiện thấy ký sinh trùng gây hại cho người ở các loài cá nước lạnh này tại Lâm Đồng.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện ba nhóm bệnh gồm xuất huyết, lở loét; bệnh lở mang và bệnh thối vây, mòn cụt đuôi; là các bệnh do vi khuẩn gây ra cho cá nước lạnh ở Lâm Đồng.
Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 khuyến khích người nuôi nên áp dụng các biện pháp như tắm bằng nước oxy già, hay nước muối để trị các bệnh do ngoại ký sinh trùng và nấm gây ra trên cá tầm, cá hồi; thực hiện vệ sinh ao nước mỗi vụ nuôi; nuôi cá với mật độ thích hợp.
Nghề nuôi cá nước lạnh ở Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung hiện đang phụ thuộc hoàn toàn vào việc nhập các giống và trứng cá từ nước ngoài, đây có thể là con đường mang mầm bệnh lạ vào Việt Nam.
Lâm Đồng hiện có 35 đơn vị, tổ chức, cá nhân được tỉnh thỏa thuận đầu tư hoặc đã cấp giấy chứng nhận đầu tư phát triển cá nước lạnh, với tổng diện tích đăng ký 3.072ha, trong đó diện tích nuôi cá nước lạnh là 376ha.