ĐBSCL: Vốn ưu đãi có, vay vẫn khó

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 14/11/2011, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm bàn các biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc về xuất khẩu thủy sản và dịch vụ ngoại hối vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, người nuôi cá tra vẫn khó tiếp cận được vốn vay ưu đãi.

Vẫn bất cập về vốn

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tính đến cuối tháng 9/2012 là 129.313 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2011 và chiếm 50,32% tổng số dư nợ tại địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay ngành thủy sản là 33.762 tỷ đồng, tăng 11,22% so với năm 2011, doanh số cho vay 9 tháng đầu năm là 59.933 tỷ đồng. Ngoài ra, hệ thống các ngân hàng như: NN&PTNT, Công thương, Ngoại thương… đã có nhiều chương trình hỗ trợ hạ lãi suất, tái cơ cấu nợ, cho vay mới… qua đó, giúp cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực thủy sản từng bước tháo gỡ những khó khăn. Tuy nhiên, các chương trình cho vay tín dụng trong lĩnh vực thủy sản vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.

Ông Huỳnh Minh Đoàn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết: Chúng ta không thiếu vốn, nhưng không thể cho vay được nữa vì các doanh nghiệp đã vay vượt định mức. Nhiều doanh nghiệp thủy sản vay vốn nhưng lại đầu tư sang lĩnh vực khác, điển hình là bất động sản. Điều này giải thích vì sao tăng trưởng cho vay tín dụng lớn, nhưng vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản lại đang khan hiếm.

Xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích: Nhiều cá nhân, tập thể thấy nghề nuôi trồng thủy sản ăn nên làm ra nên đã đổ xô vào lĩnh vực này để tranh thủ nguồn vốn của ngân hàng. Đến khi gặp phải những khó khăn không giải quyết được đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp khác. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp dùng nguồn vốn ngân hàng đầu tư tràn lan đã dẫn đến vấn đề nợ xấu. Ông Nguyễn Văn Nưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang đặt vấn đề: Doanh nghiệp đang thiếu tiền, ngân hàng nói không thiếu vốn, nhưng doanh nghiệp vẫn không vay được. Vậy ai là người đứng ra giải thích vấn đề này cho doanh nghiệp?

 

Cần kéo dài thời hạn vay ngoại tệ

Dự báo trong quý 4 năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước đạt trên 1,67 tỷ USD  (giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó, tôm đạt khoảng 650 triệu USD, cá tra đạt 470 triệu USD, các mặt hàng hải sản đạt trên 550 triệu USD. Trong năm 2012, người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp khó về vốn, dịch bệnh, thiếu hụt nguồn nguyên liệu… và ngành thủy sản sẽ tiếp tục đối mặt khó khăn này trong năm tới. Vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, ngân hàng, chính quyền, người nuôi và doanh nghiệp phải cùng nhau nỗ lực nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp để cứu ngành thủy sản.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các ngân hàng khẳng định nguồn vốn cho vay là không thiếu, việc các doanh nghiệp có tiếp cận được các nguồn vốn này hay không là phụ thuộc vào khả năng thực tế của từng doanh nghiệp – tức có đủ tiêu chuẩn để vay vốn hay không.

Các đại biểu đề nghị: Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định kéo dài thời gian có hiệu lực của Thông tư 03 (quy định về cho vay ngoại tệ) đến ngày 31/12/2012. Quyết định này đã kịp thời tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hết sức khó khăn như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cần kéo dài thêm thời gian có hiệu lực của Thông tư này. Các đại biểu cũng cho rằng, các địa phương cần chấn chỉnh tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá, làm hạ thấp giá trị của mặt hàng thủy sản xuất khẩu. Ngoài ra, cần quy hoạch lại vùng sản xuất, chỉ đạo ngành tòa án xử lý sớm các khoản nợ xấu để ngân hàng thu hồi vốn và tiếp tục hoạt động cho vay tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần khoanh nợ cho các doanh nghiệp và tiếp tục cho vay với điều kiện các doanh nghiệp phải hoạt động đúng ngành nghề và khả năng thực tế của họ dưới sự giám sát chặt chẽ của các ngân hàng.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Phong Quang – Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề nghị: Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các doanh nghiệp khó khăn để tiếp tục cho vay, đặc biệt là việc kéo dài thêm thời gian cho vay ngoại tệ. Các địa phương, các ngân hàng cần phải theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đang có nợ xấu để qua đó, biết được nguồn vốn vay của các doanh nghiệp sử dụng cho mục đích gì, có hiệu quả hay không.

>> Ông Nguyễn Đồng Tiến – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Việc các doanh nghiệp chuyển sang vay ngoại tệ là do lãi suất thấp hơn vay nội tệ. Các doanh nghiệp cần sớm chuyển sang quan hệ mua bán để tránh những rủi ro về tỉ giá.

An Bình

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!