Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng Quản lý thị trường và Công an huyện Đức Phổ đã bắt trên 12 tấn cá nóc đang tiêu thụ tại cảng Sa Huỳnh và Mỹ Á ở huyện Đức Phổ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nhiều đối tượng bất chấp pháp luật tổ chức khai quật trộm cá nóc đã bị tiêu huỷ, đem đi tiêu thụ.
Đầu tháng 10/2012, Đội quản lý thị trường số 2 Quảng Ngãi bắt 7 tấn cá nóc tại cảng Mỹ Á, thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ. Tiếp đó ngày 25/11, Đội Quản lý thị trường số 2 phối hợp Công an huyện Đức Phổ bắt trên 4 tấn cá nóc tại cảng Sa Huỳnh (thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ).
Chính quyền địa phương, ngành chức năng tổ chức đào hố tiêu huỷ số cá nóc trên tại xã Phổ Thạnh. Tuy nhiên sau khi tổ chức tiêu huỷ bằng cách đào hố để chôn, ngay trong đêm nhiều người lén lút tổ chức khai quật hố chôn, lấy trộm toàn bộ số cá trên.
Bắt quả tang xe ô tô đang trộm cá nóc đã bị tiêu huỷ chôn
Tiếp đó ngày 29/11, Công an huỵên Đức Phổ và Đội quản lý thị trường bắt giữ 1,5 tấn cá nóc tại cảng Sa Huỳnh. Có trên 1 tấn cá nóc tại trại thu mua hải sản của bà Võ Thị Thu Nghé ở thôn Thạch By 2, xã Phổ Thạnh và 500 kg cá nóc khác chưa xác định chủ sở hữu.
Rút kinh nghiệm lần trước bị nhiều đối tượng lén đào hố trộm cá nóc, UBND huyện Đức Phổ quyết định tổ chức tiêu huỷ và đào hố chôn cách xa cảng Sa Huỳnh gần 40km.
Tuy nhiên, ngay trong đêm ngày 29/11, nhiều người ở xã Phổ Thạnh vẫn liều lĩnh vào tỉnh Bình Định thuê xe ô tô biển số 77L -3433 do ông Dương Văn Minh, ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định ra Phổ Quang khai quật hố chôn lấy cá. Tuy nhiên lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã kịp thời phát hiện, bắt giữ xe ô tô trên.
Ông Huỳnh Công Trứ – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2 Quảng Ngãi cho biết, các lái thương tìm mua cá nóc để chế biến mắm hoặc xuất khẩu. Nhiều tàu cá đánh bắt gần bờ ở Đức Phổ bắt loại cá này rồi lén lút bán lại cho các đầu nậu cá.
Theo ông Trứ, đáng lo ngại khi cá nóc đã độc hại đã tiêu huỷ chôn, nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp đào lấy đem tiêu thụ. Rất nguy hiểm khi nguồn cá nóc hôi thối trên được chế biến thành mắm bán ra thị trường.
Ở cảng Sa Huỳnh, khoảng thời gian từ 5h đến 8h sáng, những chiếc tàu, thuyền của ngư dân ở xã Phổ Thạnh và xã Phổ Châu đã về cập cảng Sa Huỳnh sau một đêm khai thác cá. Cá nóc được nhiều ngư dân tập trung lại bán cho một số người chuyên thu mua cá nóc tại cảng cá. Cũng tại cảng có khoảng 3 – 4 người thu mua cá nóc từ các tàu thuyền. Mỗi ngày mỗi người mua lại vài gánh cá, sau đó tập hợp lại đem đến một số chợ bán lén lút. Cá càng to, người mua càng chuộng. Giá bình quân 15 – 20 ngàn đồng/kg.
Một số người dân buôn bán cá cho hay: “Những năm qua không ít người chết vì độc cá nóc. Người mua cá thường xuyên như bọn tui cũng ớn khi trông thấy cá nóc. Nhưng do hàng ngày tiếp xúc quá nhiều nên quen, hơn nữa vì lợi nhuận nên nhiều bà con vẫn mua bán”.
Ngư dân Huỳnh Văn Tranh ở xã Phổ Thạnh cho hay, cá nóc nhiều, được bày bán thường xuyên vì loại cá này dễ đánh bắt, tàu thuyền không phải đi xa. Ngư dân ai cũng biết cá nóc độc, nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng vì là nguồn thu chính, đành phải khai thác.
Biết cá nóc có độc nhưng nhiều người vẫn ăn, vì họ tin vào khả năng phân biệt được đâu là con cá có độc và đâu là con không có độc. Thậm chí, có người cho rằng chỉ cần ngâm vào nước muối thì độc tố trong cá sẽ không còn.
Được biết, độc tố trong cá nóc tác động vào hệ thần kinh gây tê liệt nhanh chóng ở người bị nhiễm. Hàm lượng độc tố ở một số loài cá nóc rất cao. Những người ăn cá nóc có thể chết trong vòng từ 2 giờ đến 8 giờ sau đó. Do hám lợi nên nhiều đối tượng vẫn lén lút khai thác và tiêu thụ cá nóc.