Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 20/12, tại Hà Nội, đã diễn Hội thảo quốc tế “Cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam: Cơ hội tăng cường hợp tác kinh doanh và phát triển”, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Wallace Murray đại diện Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) cùng tham dự.

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Dự án Nghiên cứu cải thiện nuôi tôm có trách nhiệm (RSCIP) do SNV, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và Mạng lưới môi trường toàn cầu (IUCN) tại Việt Nam thực hiện.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền nhận định, tôm là sản phẩm nuôi trồng thủy sản chủ lực, tác động kinh tế rất lớn tới cộng đồng cư dân ven biển. Đặc biệt tại các tỉnh ĐBSCL, nghề tôm đóng góp tỷ trọng lớn và GDP của địa phương. Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đang gặp khó khăn về dịch bệnh với diện tích trên 100.000 ha, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường. Điều này đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành và đời sống xã hội của các cộng đồng nuôi trồng thủy sản, nhất là các hộ nuôi tôm nhỏ lẻ.

Ngành nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng đang xây dựng chiến lược tái cấu trúc, tập trung đến phát triển bền vững và gia tăng giá trị, bảo vệ môi trường sinh thái và thực hiện các trách nhiệm xã hội. Hiện, Tổng cục Thủy sản đang triển khai tích cực chương trình áp dụng thực hành VietGAP, áp dụng trước hết cho các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt là nuôi tôm trong năm 2013 tới, ông Điền nhấn mạnh.

Ông Wallace Murray, đại diện SNV khẳng định, Hội thảo nhằm khuyến cáo phát triển nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm theo tiêu chuẩn sinh thái, nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, hướng sản phẩm đến chứng chỉ ASC gắn trách nhiệm, tăng giá trị sản phẩm, giảm rủi ro cho người sản xuất. Ông cũng hy vọng, thông qua Hội thảo sẽ giúp đưa ra các khuyến nghị thực tiễn cho giai đoạn tiếp theo của chương trình và tin tưởng việc hỗ trợ xây dựng mô hình kinh doanh khả thi cho các hộ nuôi quy mô nhỏ sẽ góp phần cải thiện hình ảnh và phát triển bền vững cho ngành tôm Việt Nam.

>> Chương trình cải thiện nghề nuôi tôm có trách nhiệm tại Việt Nam được xây dựng và thực hiện dựa trên quan hệ hợp tác giữa nhóm các tổ chức phát triển bao gồm: Oxfam, IUCN Hà Lan, SNV, MCD và IUNC Việt Nam, bắt đầu từ năm 2012. Mục tiêu tổng quát của chương trình là xác định, đánh giá mức độ sẵn sàng tham gia và khả năng đáp ứng các yêu cầu của chương trình từ các cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm. Từ đó, đưa ra một bản “kế hoạch kinh doanh” cho cộng đồng nuôi tôm; trong đó, xác định địa điểm hoạt động, mức hỗ trợ tài chính để được cấp chứng nhận Thực hành quản lý tốt nhất (BMP).

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!