(TSVN) – Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, cộng đồng các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, kể cả trong TP Hồ Chí Minh và đi liên tỉnh; khi TP Hồ Chí Minh và đồng loạt các tỉnh, thành áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16.
Theo chia sẻ của đại diện SIS tại Việt Nam, hiện nay, vấn đề vận chuyển lưu thông hàng hóa trong nước gặp rất nhiều trở ngại không chỉ đối với các doanh nghiệp mà cả những hộ nuôi thủy sản. Bởi, đa phần NTTS hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, nên việc vận chuyển nguyên liệu cho sản xuất cũng như thu mua sản phẩm có nhiều bất cập; khi chỉ sử dụng các phương tiện thô sơ như xe máy, xe thồ mới đi sâu vào được các vùng nuôi; nhưng hiện nay hoạt động này bị ách tắc vì thực hiện phương châm “ai ở đâu ở yên đó”. Trong khi, Chính phủ mới chỉ giải quyết mặt vận chuyển cho các doanh nghiệp bằng đường xe tải thì cũng chỉ giải quyết một phần ngọn tồn đọng hàng hóa trước mắt; còn toàn bộ hệ thống bên dưới của người dân dường như bị ngưng trệ cả.
Mặt khác, với SIS thì gặp khó trong việc thông quan hàng hóa về sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) do vướng thêm tình trạng giới nghiêm từ 6h tối đến 6h sáng. Trong khi hàng hóa tôm bố mẹ là động vật sống nên kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe chất lượng tôm. Các chuyến bay ngắn nhất hiện tại đều đáp vào ban tối khuya sau 6h tối đều phải chờ thêm nhiều tiếng đến sáng mới có thể làm thủ tục kiểm dịch thông quan. Cùng đó, do ảnh hưởng của dịch kéo dài, rất nhiều khách hàng đã hủy đơn hàng kéo theo tốn chi phí cũng như ảnh hưởng kế hoạch sản xuất chung của doanh nghiệp. Thậm chí sắp tới khi tình dịch ổn, người dân thả nuôi tôm lại, thì sẽ có tình trạng thiếu nguồn tôm bố mẹ, tôm giống phục vụ sản xuất do các doanh nghiệp ngại nhập hàng trong thời gian qua.
Ảnh minh họa
Khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa, để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; ngày 24/8/2021, Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 5138/BCT-TTTN về hướng dẫn xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Theo đó, đề nghị Sở Công thương các địa phương khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận chuyển hàng hóa (nhất là khi đi qua các chốt kiểm soát), hướng dẫn doanh nghiệp liên hệ với đường dây nóng của Tổng cục đường bộ Việt Nam và Sở Giao thông vận tải tại địa phương để nhận được sự hỗ trợ kịp thời, tạo thuận lợi cho hoạt động lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cảng Cát Lái vào tháng 6 – 2021. Ảnh: Getty Images
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhìn nhận, trong vấn đề về logistic, vận chuyển đường bộ trong thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp lên tiếng, điều này cho thấy chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự nhất quán giữa các địa phương. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, tất cả hàng hóa lưu thông bình thường; tuy nhiên, ở khâu thực hiện lại có vấn đề, vì ở nhiều địa phương, trạm kiểm soát chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên trực tiếp. Nếu địa phương đó không có hướng dẫn, quán triệt chủ trương của Trung ương đưa xuống thì kể cả các văn bản từ Trung ương, các Bộ ngành, các chốt đó cũng không thực hiện.
Để giải quyết khó khăn trong tiêu thụ nông, thủy sản hiện nay, đại diện Sở Công thương Bạc Liêu cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT cùng các doanh nghiệp, các đơn vị trong và ngoài tỉnh tập trung đẩy mạnh kết nối cung cầu tiêu thụ hàng nông sản giữa các địa phương. Đồng thời, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, chủ động xây dựng phương án trong sản xuất, kinh doanh tránh tình trạng ứ đọng hàng hóa cục bộ, bảo đảm tiêu thụ, xuất khẩu hàng nông, thủy sản thông suốt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Hiện, tỉnh Cà Mau có 4 doanh nghiệp đăng ký cần kết nối xuất khẩu hàng thủy sản với sản lượng hơn 1.300 tấn tôm chế biến, 6,5 tấn tôm nguyên liệu thô, 1.200 tấn chả cá… Ngoài ra, có hơn 40 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần kết nối tiêu thụ trong nước các mặt hàng nông sản; hàng thủy sản như: tôm tươi 10 tấn/ngày, cua 1 tấn/ngày, cá biển 600 tấn, mực tươi 55 tấn, khô cá biển các loại 10 tấn/ngày, bánh phồng tôm 2 tấn/ngày, nước mắm 350.000 lít… Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay, có một số tỉnh, thành phố đang thiếu hàng hóa, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, trong khi những tỉnh khác đang gặp khó khăn trong tiêu thụ. Vì vậy, đề xuất ý kiến với các tỉnh, thành phố trong việc phối hợp, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nhau, tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Bên cạnh đó, Cà Mau cũng kiến nghị với Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và các hiệp hội, ngành hàng nhằm kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu ở tầm khu vực và ở cả nước như việc thiếu container đi các tuyến, chậm vận chuyển container hàng hóa xuất khẩu… Qua đó, nhằm góp phần đảm bảo cho việc tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông sản không chỉ riêng của tỉnh Cà Mau mà của các địa phương trên cả nước được thuận lợi trước ảnh hưởng của dịch COVID- 19.