T2, 03/01/2022 08:37

Mở hướng phát triển trong đại dịch

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Năm 2021, vùng thủy sản trọng điểm quốc gia là ĐBSCL không chỉ vượt đại dịch khá ngoạn mục mà còn mở hướng phát huy tiềm năng lợi thế từng địa phương lên giá trị mới.

Cà Mau phát triển mạnh tôm sinh thái

Nuôi tôm là mũi nhọn kinh tế của tỉnh Cà Mau với tổng diện tích 280.000 ha, sản phẩm đang làm nên thương hiệu tôm Cà Mau nổi tiếng là tôm – rừng, tôm – lúa. Diện tích tôm – rừng 80.000 ha; tôm – lúa 40.000 ha. Các chuỗi giá trị tôm – rừng phát huy hiệu quả rất tốt, bởi có sự tham gia của một số doanh nghiệp phát triển thương hiệu, đã đạt các chứng nhận quốc tế, xuất khẩu sang những thị trường khó tính.

Bên cạnh còn có 8.500 ha nuôi tôm thâm canh (gần 3.000 ha nuôi siêu thâm canh). Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 trên 900 triệu USD, năm 2021 dự kiến 1 tỷ USD. Định hướng đến năm 2025 đạt 1,4 tỷ USD và năm 2030 là 1,6 tỷ USD.

UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với hai doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Tập đoàn Lộc Trời tích cực xây dựng chuỗi giá trị tôm – lúa. Trong năm 2021 xây dựng một số mô hình đạt hiệu quả cao, từ đó nhân rộng trong năm 2022.

Năm 2021, Cà Mau cũng đẩy mạnh nuôi tôm càng xanh. Đầu tháng 12/2021, giá tôm càng xanh trung bình 90.000 đồng/kg, người nuôi rất phấn khởi vì được mùa được giá. Tôm càng xanh sinh trưởng tốt ở nguồn nước ngọt và lợ. Tổng diện tích tôm càng xanh năm nay 16.329 ha, ước thu hoạch trên 2.800 tấn và Cà Mau xác định còn nhiều tiềm năng phát triển trong năm tới.

Nuôi tôm bảo vệ rừng được Cà Mau chú trọng phát triển. Ảnh: ST

Bạc Liêu khuyến khích “2 tôm – 1 lúa”

Số liệu của UBND tỉnh Bạc Liêu, năm 2021, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản tăng 8,84% so cùng kỳ. Tỉnh vẫn kiên trì mục tiêu trở thành vùng công nghiệp tôm chất lượng cao của ĐBSCL và cả nước. Trong các mô hình nuôi tôm, năm 2021 Bạc Liêu chú trọng tới “2 tôm – 1 lúa” ở các huyện phía trên Quốc lộ 1A. Điển hình ở huyện Hồng Dân.

Tại xã Vĩnh Lộc A (Hồng Dân), HTX Nông nghiệp tổng hợp Ba Đình thành lập năm 2018, hiện có 83 thành viên với 150 ha sản xuất một năm 2 vụ tôm 1 vụ lúa (8 tháng nuôi tôm, 4 tháng trồng lúa). Hàng năm, từ tháng 1 – 4, nông dân thả tôm sú, tháng 9 sạ lúa kết hợp thả tôm càng xanh. Nông dân thu hoạch một vụ tôm sú, một vụ lúa và tôm càng xanh, tổng cộng 120 – 180 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 90 triệu/ha/năm.

Giám đốc HTX Nông Văn Thạch giới thiệu, lúa – tôm phù hợp và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Năm nay thành công, bà con cho biết sẽ nhân rộng trong năm 2022. Sản phẩm đầu ra được ký hợp đồng với các doanh nghiệp.

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cả huyện hiện có hơn 24.000 ha lúa – tôm, được xác định là mô hình bền vững trong thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện tập trung phát triển tôm sạch, lúa sạch, xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm tôm càng xanh nuôi trong ruộng lúa.

Mục tiêu đặt ra của Sở NN&PTNT Bạc Liêu, đến năm 2025, cả tỉnh có hơn 43.000 ha diện tích lúa – tôm. Hiện, địa phương đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là định hướng canh tác lúa hữu cơ, tôm sạch thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.

Tôm sinh thái cỡ lớn đang là mục tiêu ở nhiều địa phương. Ảnh: SN

An Giang phát triển bền vững cá tra

Đầu tháng 12, nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất cá tra ở tỉnh An Giang khởi động trở lại và tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, tỉnh hỗ trợ các dự án đầu tư sản xuất giống và NTTS công nghệ cao, trong đó có đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp. Cấp 1 là Viện Nghiên cứu NTTS II đã cung cấp 12.320 con cá tra bố mẹ để thay thế khoảng 30% tổng đàn cá tra bố mẹ trong tỉnh. Cấp 2 là Trung tâm Giống thủy sản An Giang và một số cơ sở sản xuất liên kết, với 26.300 con cá tra bố mẹ (chiếm 64% toàn tỉnh), khả năng cung cấp 6,8 tỷ cá bột/năm, đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất ương dưỡng giống thủy sản. Cấp 3 gồm các Chi hội ương giống cá tra với 54 hội viên, diện tích mặt nước 251 ha (hơn 43% toàn tỉnh), năng lực sản xuất 700 – 800 triệu con giống/năm.

Diện tích nuôi cá tra tỉnh An Giang hiện nay 1.235 ha, trong đó doanh nghiệp và hộ nuôi liên kết 1.049 ha. Đã thu hoạch trên 400.000 tấn, cung cấp cho 19 nhà máy chế biến, tính trong 9 tháng năm 2021 đã thu về 200 triệu USD, bằng cùng kỳ năm trước.

An Giang phát triển cá tra coi trọng bảo vệ nguồn lợi tự nhiên

Kiên Giang hỗ trợ nuôi cá lồng bè trên biển

Đại diện Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, đến cuối năm 2021 tỉnh có 3.570 lồng bè nuôi trên biển, sản lượng thu hoạch 2.653 tấn. So với kế hoạch từ đầu năm chỉ đạt 65% số lượng lồng bè, 51% sản lượng thu hoạch. Nguyên nhân chính, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khó vận chuyển con giống, thức ăn, thuốc thú y theo nhu cầu, trong lúc giá cá biển giảm 30 – 40%.

Khó khăn chỉ nhất thời, theo Chi cục Thủy sản, nghề nuôi cá lồng bè trên biển được tỉnh Kiên Giang xác định là lợi thế, có tiềm năng lớn để phát triển. Đề án phát triển nuôi biển của tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, các khu vực bố trí nuôi tập trung là xã Hòn Nghệ, Sơn Hải (huyện Kiên Lương), các xã Lại Sơn, An Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải), Tiên Hải (TP Hà Tiên) và Gành Dầu, Thổ Châu (TP Phú Quốc).

Để hỗ trợ ngư dân, Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh đã đầu tư hệ thống quan trắc môi trường nước tự động tại xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương). Hội Nông dân tỉnh có Quỹ hỗ trợ ngư dân thực hiện mô hình, cải thiện điều kiện sản xuất, tăng thu nhập. Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng mô hình nuôi cá lồng bè sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với cá tạp tại xã Hòn Nghệ; đã chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi cá cá  bớp (cá  giò) lồng bè của HTX NTTS Minh Hòa. Tại huyện Kiên Lương đã thành lập HTX NTTS và 16 THT nuôi cá lồng bè nhằm hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đảm bảo trật tự vùng nuôi.

Kế hoạch năm 2022, Kiên Giang có 6.000 lồng bè trên biển quanh các đảo, dự kiến cho sản lượng 9.300 tấn cá thương phẩm. Tỉnh khuyến khích ngư dân đầu tư chuyển từ lồng bè bằng gỗ sang HDPE, một loại lồng nuôi hiện đại, có khả năng chịu bão cấp 12, nuôi được xa bờ, độ bền cao và dễ dàng lắp ráp. Cùng đó, có chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi: Lồng tròn HDPE đường kính 10 m (thể tích khoảng 500 m3) giá khoảng 200 triệu đồng, được hỗ trợ 80 triệu. Lồng vuông kích thước 4x4x4 m giá khoảng 50 triệu đồng, được hỗ trợ 17,5 triệu đồng.

Ngọc Duyên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!