T5, 04/11/2021 09:00

Khai thác thủy sản: Thích ứng, an toàn, linh hoạt với COVID

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ với phương châm chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; các đại biểu tại Hội nghị trực tuyến của Bộ NN&PTNT vừa qua về tổ chức khai thác thích ứng an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, quý IV/2021 cho rằng, cần tuyên truyền và hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển và có chính sách khuyến khích hoạt động khai thác ở các vùng biển xa, chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch.

Nỗ lực chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Tính đến 30/9/2021, trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase có 71.913 tàu cá (đạt 76,04%) đã đăng ký và 53.042 tàu (đạt 56,09%) được cấp giấy phép khai thác. Hoạt động thực thi pháp luật, phòng, chống khai thác bất hợp pháp đã có nhiều chuyển biến. Nhận thức của ngư dân về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng được nâng cao. Hệ thống thể chế quản lý và chính sách phát triển khai thác thủy sản đến năm 2030 cơ bản được hoàn thiện đầy đủ theo hướng đồng bộ, hội nhập quốc tế.

Các địa phương thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất, ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng thủy sản khai thác đạt kết quả; tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cả về sản lượng (8%) và giá trị kim ngạch xuất khẩu (3,6%) so cùng kỳ năm 2020 trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19. Ước tính, tổng sản lượng khai thác thủy sản biển đạt 2,917 triệu tấn (tăng 0,8%); trong đó, sản lượng cá ngừ, mực và các loài cá nổi chiếm khoảng 60%. Sản lượng khai thác ở ngư trường Đông Nam bộ chiếm tỷ lệ cao nhất khoảng 40%, ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ và Tây Nam bộ tiếp tục có xu hướng giảm.

Hoạt động phòng, chống khai thác bất hợp pháp, tháo gỡ “thẻ vàng” được thực hiện đồng bộ ở các cấp, ngành, đúng hướng, có chuyển biến tích cực ở nhiều địa phương. Tổng cục Thủy sản đang tích cực rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh Nghị định số 26/2018/NĐ-CP, Nghị định số 42/2018/NĐ-CP và các Thông tư trình ban hành trong quý IV/2021; nhằm hoàn thiện thể chế quản lý nghề cá bền vững có trách nhiệm và khắc phục các khuyến nghị của EC.

Ngành thủy sản không chỉ đảm bảo khai thác đúng quy định mà còn hướng tới đánh bắt chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Ảnh: Bùi Định

Vẫn còn hạn chế nhất định

Do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COIVD-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất; tình trạng thiếu lao động cả về số lượng và chất lượng, khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Tính đến tháng 9/2021, cả nước có khoảng 1 triệu lao động trực tiếp trên các tàu cá. Hiện số lượng lao động làm việc trên tàu cá được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 còn thấp, ước đạt khoảng 25%. Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hậu cần nghề cá; việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác, nhất là trong bảo quản sản phẩm; giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. 2021 cũng là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây, trong đó giá dầu diesel tăng hơn 30% so cùng kỳ năm 2020; giá bán sản phẩm thì lại giảm 15 – 20%.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản thông tin, thực tế vừa qua số lượng trường hợp ngư dân vi phạm nhiều nhưng việc xử phạt mới chỉ thực hiện được khoảng 5 – 10% số trường hợp đó. Lý do đầu tiên đến từ việc lực lượng thực thi xử phạt vi phạm hành chính còn quá mỏng và không đồng bộ; lực lượng Kiểm ngư còn ít và chưa thể dàn trải đồng đều; việc đầu tư tàu tuần tra còn hạn chế, các tàu kiểm tra thậm chí còn nhỏ hơn, yếu hơn, chậm hơn tàu cá vi phạm. Cùng đó là việc không đồng bộ trong việc xử lý vi phạm. Khi hiện đang xuất hiện tình trạng cùng một hành vi vi phạm nhưng có thể ở tỉnh này người vi phạm bị phạt 1 tỷ đồng nhưng ở tỉnh khác chỉ bị nhắc nhở; có tỉnh phạt nhiều có tỉnh phạt ít.

Theo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện nay, các tàu cá chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chủ yếu thuộc địa bàn TP Nha Trang; nguyên nhân là do hiệu quả chuyến biển thấp, nhiều tàu thua lỗ, nằm bờ nên chủ tàu không đầu tư lắp đặt thiết bị. Đối với đăng ký Giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm tàu cá, vẫn còn tình trạng một số tàu cá khai thác các loại thủy sản chỉ phục vụ tiêu thụ ở những thị trường nhỏ lẻ, không cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nên chủ tàu không đăng ký. Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến tháng 10/2021, tổng số tàu cá đăng ký trên toàn tỉnh là 5.770 chiếc (trong đó có 2.866 chiếc hoạt động vùng khơi có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên, chiếm 49,68%). Các chỉ tiêu tăng trưởng, sản lượng khai thác đạt thấp so cùng kỳ; cụ thể, sản lượng khai thác đạt 300.686 tấn, ước thực hiện cả năm đạt 353.700 tấn (tăng 1,44% so cùng kỳ, đạt 100,90% so kế hoạch). Do ảnh hưởng của dịch diễn biến phức tạp, một số cảng cá trên địa bàn tỉnh tạm ngưng hoạt động hoặc bị phong tỏa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch và bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất trở lại từ ngày 20/9/2021…

Các địa phương, hiệp hội ngành hàng, chủ tàu cá kiến nghị: Chính phủ, Bộ NN&PTNT cần ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch; thực hiện giãn nợ, giảm lãi xuất các khoản vay tín dụng đối với các tàu cá, cơ sở dịch vụ hậu cầu nghề cá; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống hạ tầng hậu cần nghề cá (cảng cá, kho lạnh); sắp xếp lại lao động nghề cá; tập trung làm mới sản phẩm xuất khẩu, tăng cường chế biến sâu; hỗ trợ tiền điện cho ngành chế biến thủy sản.

Thực hiện đồng bộ ba nhóm giải pháp

Để hoạt động khai thác thủy sản an toàn, thích ứng an toàn, phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục Thủy sản yêu cầu các địa phương thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp gồm: Tổ chức sản xuất; hoàn thiện thể chế, chính sách và thực thi pháp luật cũng như quy định phòng, chống dịch trong tình hình mới; trong đó, tập trung đảm bảo an toàn phòng dịch trong quá trình tổ chức sản xuất trên biển, tại các cảng cá và các cơ sở thu mua, chế biến. Tiếp tục triển khai các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản và chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa cho hoạt động chế biến, xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, phục hồi sau dịch COVID-19 không thể ngay và luôn nhưng phải tập trung cao nhất để đạt sản lượng và giá trị xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP, các doanh nghiệp, ngư dân đồng hành cùng Bộ với quyết tâm cao nhất để đảm bảo giá trị xuất khẩu tăng cao. Các tỉnh tích cực, tập trung chú ý các nội dung cốt lõi: quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc, thực thi pháp luật, chuyển đổi nghề và những nội dung trong phòng, chống khai thác IUU. Chuẩn bị không gian tái cơ cấu khai thác thủy sản, trong đó có cả khai thác và bảo tồn, nuôi trồng. Từ đó, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một cách có hiệu lực, hiệu quả để khắc phục những tồn tại, giải quyết các yếu kém và phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng ngành thủy sản.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện thời gian tới đó là: Hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD; Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống khai thác bất hợp pháp; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; Triển khai kịp thời các chính sách trong lĩnh vực khai thác thủy sản và chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19; Áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả.

Hồng Hạnh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!