(TSVN) – Cá thát lát cho thịt ngon, ít xương, đặc biệt thịt có độ dẻo nên rất được ưa chuộng dùng chế biến món chả cá thát lát, coi như đặc sản. Ở một số địa phương đã nhân giống và nuôi cá thát lát trong môi trường nhân tạo trong ao, ruộng, mương cho năng suất cao.
Ao nuôi cá thát lát có diện tích dao động từ 200 – 2.000 m2, độ sâu nước từ 1 – 1,5 m. Chọn ao ở những nơi có nguồn nước sạch và cách xa cống nước thải khu công nghiệp.
Trước khi thả cá nuôi, ao được chuẩn bị kỹ bao gồm các bước như sau:
Dọn sạch cỏ ven bờ, cắt dọn hết các cây cỏ thủy sinh trong ao, lấp hết hang hốc, đắp lỗ rò rỉ quanh ao. Sửa lại cống cấp thoát nước.
Tát cạn ao, sau đó vét bớt lớp bùn đáy ao, chỉ để lại lớp bùn dày 15 – 20 cm.
Diệt hết cá tạp và các loài địch hại của cá. Nên dùng rễ dây thuốc cá để diệt cá tạp còn sót lại, lượng dùng 0,5 – 1 kg rễ dây thuốc cá cho 100 m3 nước. Rễ dây thuốc cá đập dập, ngâm trong chậu nước từ 5 – 6 tiếng cho mềm rồi vắt lấy nước, hòa loãng và tạt đều khắp mặt ao. Tất cả cá còn sót trong ao sẽ bị chết chỉ sau 30 phút đến 1 tiếng. Vớt hết cá chết, tháo bỏ nước hoặc bơm cạn để phơi đáy ao.
Dùng vôi bột rải đều đáy ao, mái bờ ao để hạ phèn, diệt các loài cá tạp còn sót lại. Vôi còn có tác dụng diệt các mầm bệnh. Lượng vôi dùng từ 8 – 10 kg cho 100 m2 ao. Sau khi rải vôi nên đảo đều để hòa trộn vôi với lớp bùn trên mặt đáy ao.
Bón phân chuồng đã ủ hoai mục nhằm tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá với liều lượng 10 – 20 kg cho 100 m2 ao. Hoặc có thể sử dụng phân vô cơ (Urea 0,5 kg, lân 0,3 kg) hoặc phân hỗn hợp (N-P-K) 1 kg cho 100 m2 ao nuôi.
Phơi đáy ao từ 3 – 5 ngày. Những ao ở vùng nhiễm phèn thì không nên phơi đáy và lượng vôi nên bón nhiều hơn.
Cấp nước vào ao qua lưới lọc, khi đạt 0,5 – 0,6 m thì dừng lại. Sau 2 – 3 ngày thấy nước có màu xanh lá chuối non thì bắt đầu thả cá giống vào ao.
Sau khi thả giống, tiếp tục cấp nước vào cho đến khi đạt mức tối đa theo yêu cầu kỹ thuật (1,2 m).
– Cá giống thả nuôi phải khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh, màu sắc tươi sáng, bơi lội nhanh nhẹn, phản ứng nhanh với tác dộng bên ngoài, không bị xây xát, vây vẩy hoàn chỉnh. Tắm cá bằng nước muối 2 – 3% trong 10 phút trước khi thả.
– Mật độ thả: Tùy theo điều kiện ao như diện tích, độ sâu nước và khả năng quản lý, có thể thả dày hoặc thưa, trung bình 5 – 10 con/m2. Thả cá giống xuống ao nuôi vào lúc trời mát. Nếu cá vận chuyển từ xa về, trước khi thả cá ra ao phải ngâm bao đựng cá giống trong nước ao nuôi từ 15 – 20 phút để cân bằng nhiệt độ trong và ngoài bao cá để cá không bị sốc do chênh lệch nhiệt độ.
– Kích cỡ cá giống thả nuôi: Cá giống nhân tạo ương nuôi sau 2 tháng thường đạt kích cỡ 5 – 6 cm thì có thể thả nuôi được. Cá giống thu trong tự nhiên cũng nên chọn lựa cỡ cá có chiều dài 5 – 6 cm trở lên.
Các tỉnh Nam bộ do thời tiết nắng nóng, thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của cá, nên mùa vụ nuôi tùy thuộc vào nguồn cá giống, có thể thả nuôi quanh năm.
Trong những ngày đầu khi mới thả xuống ao nuôi, cá có thể sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao đó là các loài phù du động thực vật, động vật đáy. Sau đó, bổ sung cho cá ăn thức ăn hỗn hợp chế biến kết hợp thức ăn tươi sống. Lượng thức ăn tính như sau:
– Trong hai tuần đầu: thức ăn tự nhiên cộng với bột cá trộn với cám (mỗi loại 50 g) nấu chín trộn đều cho 1.000 con.
– Từ tuần thứ 3 trở đi, dùng thức ăn chế biến (50%) gồm: cám + bột cá và thức ăn tươi sống (50%): cua, ốc, cá tạp vụn tươi, tép, đầu tôm, cá.
Ngoài thức ăn tự nhiên, thức ăn tươi sống và thức ăn chế biến, có thể kết hợp cho cá ăn thức ăn viên công nghiệp kích cỡ vừa với miệng của cá (theo hướng dẫn nhà sản xuất in trên bao bì), nên sử dụng thức ăn chìm, có hàm lượng đạm từ 25 – 30%, tỷ lệ phối hợp 30% thức ăn viên công nghiệp.
Thức ăn chế biến phải sử dụng các nguyên liệu còn tốt, không bị ẩm mốc. Thức ăn tươi sống phải còn tươi, chưa bị ươn thối, trước khi cho ăn phải rửa sạch và băm nhỏ vừa cỡ miệng của cá…
Khẩu phần ăn tính trên tổng trọng lượng cá đang nuôi là 5 – 7%/ngày với thức ăn chế biến cộng với thức ăn tươi sống. Khẩu phần ăn thức ăn viên công nghiệp tính bằng 1,5 – 2%/ngày tổng trọng lượng thân. Có thể tăng giảm tỷ lệ thức ăn tươi và thức ăn chế biến hoặc thức ăn công nghiệp tùy theo điều kiện cụ thể. Trong hai tuần đầu, mỗi ngày cho cá ăn 3 lần, sau đó cho ăn ngày 2 lần. Định kỳ một lần/tuần trộn thêm các loại khoáng chất, Vitamin C (1 – 2 g/kg thức ăn) để tăng sức đề kháng cho cá.
Thức ăn được cho vào sàng. Thường xuyên quan sát hoạt động ăn của cá, kiểm tra cá ăn bằng cách đặt thêm vài sàng ăn cố định trong ao để theo dõi mức độ ăn, kịp thời tăng giảm lượng thức ăn theo mức ăn của cá. Phải rửa sạch sàng ăn sau khi cá ăn (khoảng 1 – 2 tiếng) và trước khi cho cá ăn bữa mới.
Thường xuyên quan sát, kiểm tra bờ ao, lưới chắn, cống cấp thoát nước, phát hiện sớm những vấn đề như lở bờ, hang hố rắn, chuột, mưa ngập tràn bờ để kịp thời tu bổ sửa chữa để tránh thất thoát cá ra ngoài. Thường xuyên tìm cách đuổi những loài chim ăn hại cá.
Theo dõi màu và mùi nước ao để điều chỉnh mực nước và thay nước kịp thời. Định kỳ hàng tuần thay nước mới cho ao, mỗi đợt thay từ 30 – 50% lượng nước ao. Khi thấy nước ao có mùi hôi hoặc màu xanh quá đậm hay màu nâu đen, phải tháo bỏ nước cũ và cấp ngay nước mới vào ao. Vào mùa mưa khi nồng độ pH giảm thấp dưới 6, có thể dùng vôi hòa nước lắng lấy nước trong và tạt đều xuống ao để pH trở lại trung tính.
Cá thát lát khi nuôi trong ao nếu nuôi với mật độ thưa, mức độ thâm canh thấp thì ít bị nhiễm bệnh. Nhưng khi nuôi mật độ cao do có đầu tư thâm canh nên có thể gặp một số loại bệnh như:
Bệnh nhiễm trùng huyết do các loài vi khuẩn gây bệnh Pseudomonas, Aeromonas, Edwardlsiella. Khi cá nhiễm bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc kháng sinh như Oxytetracyclin, Kanamycin trộn vào thức ăn cho cá (50 – 70 mg/kg thể trọng cá, ăn liên tục từ 5 – 7 ngày).
Cá thát lát còn gặp các loại ký sinh trùng như trùng bánh xe (hay còn gọi là trùng mặt trời – Tricho dina), trùng quả dưa (Ichthiophthyrius). Chúng ký sinh trên da, mang cá và các gốc vây, gây ra các vết lở loét và xuất huyết hoặc hoại tử. Để điều trị có thể dùng đồng Sunfat (CuSO4) ngâm cá với nồng độ 0,5 – 0,7 g/m3 nước hoặc tắm cá bệnh với nồng độ 2 – 5 g /m3 nước trong thời gian 5 -10 phút. Dùng muối ăn (NaCl) 2 – 3% tắm cho cá 5 – 15 phút.
Ngoài ra, các cũng dễ bị các loài giáp xác ký sinh như trùng mỏ neo (Lernaea) và rận cá (Argulus). Chúng bám vào các vết thương ở mang, da và trên cơ thể cá, nhất là giai đoạn cá giống. Khi cá bị các loài trên ký sinh, có thể dùng thuốc tím nồng độ 10 – 20 ppm tắm cho cá từ 20 – 30 phút. Hoặc dùng lá xoan bó thành bó và thả trong ao với liều lượng 0,3 – 0,5 kg/m3 nước ao.
Về môi trường ao nuôi, khi cá bệnh, phải thay nước mới sạch cho ao, nếu có điều kiện thì kéo cá tập trung và tắm thuốc tím (KMnO4) cho cá với nồng độ 3 – 5 ppm trong 15 – 30 phút.
Thời gian nuôi từ 8 – 10 tháng cá đạt cỡ 150 g/con trở lên. Có thể thu họach tỉa cá lớn đạt cỡ thương phẩm và thả nuôi lại những cá nhỏ chưa đạt size hoặc thu đồng loạt. Khi thu hoạch có thể ngưng cho cá ăn trước 1 – 2 ngày.
Trọng Hoàng