Không chỉ có cây lúa, vườn cây ăn trái, ĐBSCL còn là vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của cả nước với 2 sản phẩm chủ lực là con tôm và cá tra. Thế nhưng, lâu nay hệ thống thủy lợi ở vùng này lại chủ yếu nhằm mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh…
Thật ra, chính thành tựu của việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi thời gian qua đã tạo tiền đề cho nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL phát triển nhanh chóng khi có lợi thế về thị trường trong một số năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, sự gia tăng quá mức về diện tích nuôi trồng thủy sản và quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nhất là theo vùng nuôi tập trung thực hiện chưa tốt. Vì vậy, cần phải cải tạo và đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi mới đáp ứng được các đòi hỏi đặc thù của nuôi trồng thủy sản. Hiện trạng hệ thống thủy lợi (cung cấp, tiêu thoát nước) phục vụ nuôi trồng thủy sản tại vùng ĐBSCL chưa đồng bộ, chưa đáp ứng đòi hỏi đặc thù của nuôi trồng thủy sản.
Nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL chưa có nguồn nước tách biệt với sản xuất nông nghiệp. Ảnh: H.Phước
Thực tế tại các địa phương trong vùng lộ diện rõ tình hình này. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, qua gần 11 năm chuyển đổi sản xuất, hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực phục vụ sản xuất; nhất là chuyển đổi sản xuất, cấp thoát nước cho 125.000ha đất nuôi trồng thủy sản, đáp ứng khá tốt việc điều tiết nước mặn vào tiểu vùng chuyển đổi (vùng Bắc Quốc lộ 1A) phục vụ nuôi trồng thủy sản… Thế nhưng, khi chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang nuôi trồng thủy sản, hệ thống thủy lợi tại Bạc Liêu đã bộc lộ các khiếm khuyết. Một trong những hệ quả là, sau gần 11 năm nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp, một số diện tích đất ở khu vực ven biển Đông đã có dấu hiệu bị sa mạc hóa.
Đối với Hậu Giang, là tỉnh nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, nguồn nước dồi dào rất thuận lợi cho nuôi các loài thủy sản nước ngọt. Tổng diện tích thả nuôi thủy sản của tỉnh đến thời điểm này là 11.318,8ha, với sản lượng đạt 86.108,8 tấn (năm 2012), bao gồm các loài: cá tra, cá rô đồng, cá thát lát, cá lóc, cá bống tượng… Thời gian qua, nghề nuôi thủy sản của tỉnh đạt được sự tăng trưởng đáng khích lệ, tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống và giải quyết nhiều vấn đề xã hội bức xúc khác của địa phương. Tuy nhiên, nghề nuôi thủy sản hiện nay phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, tổ chức sản xuất chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, tình trạng nuôi tự phát và phân tán gây khó khăn cho công tác quản lý và đầu tư. Đặc biệt, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, nhất là hệ thống thủy lợi. Hiện sử dụng chủ yếu dựa vào hệ thống thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp, chưa có thủy lợi chuyên cho sản xuất nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, phần nào gây khó khăn cho người dân trong vấn đề chủ động nguồn nước.
Ông Nguyễn Thanh Phong, ở ấp Đông An, xã Đại Thành, TX.Ngã Bảy, bộc bạch: “Từ trước đến giờ, người dân ở đây nuôi cá tra chủ yếu sử dụng nguồn nước từ dưới sông bơm lên. Do vậy, thường xuyên phải đối mặt với tình trạng nước bị ô nhiễm, nhất là vào thời điểm bà con bơm nước trong ruộng ra sạ vụ lúa Đông xuân. Tuy có qua xử lý trước khi sử dụng, nhưng trong nước vẫn chứa nhiều tạp chất nên luôn tiềm ẩn rủi ro cao về dịch bệnh và gây ô nhiễm môi trường nuôi. Từ đó, dẫn đến chất lượng cá đôi lúc không đạt như mong muốn”.
Theo Tổng cục Thủy sản, do có nhiều cống ngăn mặn và chống lũ nên thủy lợi vùng ĐBSCL không đủ cấp nước cho nuôi trồng thủy sản và ngăn cản dòng lưu chuyển tự nhiên của các loài thủy sản. Nuôi trồng thủy sản lại có những yếu tố đặc thù, chẳng hạn như: nguồn nước sử dụng phải sạch, không dùng lại nước của các ngành sản xuất khác; kể cả nước thải của nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp. Cao trình đáy đối với hệ thống nước cấp phục vụ nuôi trồng thủy sản phải cao hơn hệ thống ao nuôi và cao trình đáy nước thoát phải thấp hơn nên cần hệ thống thủy lợi tách biệt 2 nguồn nước cấp – thoát khác nhau. Với hệ thống thủy lợi hiện tại ở vùng ĐBSCL là mạng lưới sông, rạch khép kín cùng chung hệ thống, do vậy khó thực hiện để có 2 nguồn nước tách biệt. Có thể thấy, các địa phương vùng ĐBSCL và ngành thủy sản chậm trễ trong việc xây dựng các quy hoạch chi tiết nuôi trồng thủy sản và các sản phẩm chủ yếu. Kinh phí đầu tư cho phát triển thủy sản chưa tương xứng với giá trị, hiệu quả nuôi trồng thủy sản mang lại. Do vậy, phải hoàn thành quy hoạch nuôi trồng thủy sản để xác định các vùng nuôi, qua đó đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất hiệu quả.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Hậu Giang Ngô Quốc Phúc cho biết: Hiện nay, mật độ nuôi cá da trơn (chủ yếu cá tra) trên địa bàn tỉnh tương đối dày, sản lượng cao nên mức độ ô nhiễm môi trường rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là đối tượng xuất khẩu chủ lực nên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế trong khâu chăm sóc. Vì vậy, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng như: ao lắng, ao xử lý nước thải hay quy trình nuôi khoa học là một việc làm cần thiết. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế, đồng thời tạo động lực cho nghề nuôi thủy sản của tỉnh phát triển một cách toàn diện, tương xứng với tiềm năng vốn có, chi cục đã hoàn thành và chuẩn bị thông qua đề án quy hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ cá da trơn của tỉnh đến năm 2020 ở 3 địa phương: TX.Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp và huyện Châu Thành. Khi dự án hoàn thành, sẽ làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển ngành nuôi thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, trong đó có chú ý đến yếu tố hạ tầng thủy lợi…