Hội nghị giao ban nuôi trồng thủy sản các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 17/01/2013, tại Đắk Lắk, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với UBND tỉnh Đắk lắk tổ chức Hội nghị giao ban nuôi trồng thủy sản các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã tham dự và chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tại Hội nghị, tiềm năng nuôi trồng thủy sản Tây Nguyên hiện nay là 90.666 ha, trong đó các tỉnh có tiềm năng lớn là Đăk Lăk (42.000 ha), Lâm Đồng (15.360 ha), Gia Lai (14.000 ha) và Kon Tum  (20.974 ha). Diện tích tiềm năng còn tăng thêm nhiều do việc xây dựng hồ chứa nước cho thủy lợi, thủy điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc sử dụng tiềm năng này vào hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn còn khiêm tốn. Năm 2012, diện tích nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh Tây Nguyên là 28.494 ha (bằng 105% so với cùng kỳ năm 2011), số lồng thả nuôi là 132 lồng.

Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2012 của các tỉnh Tây Nguyên đạt 32.470 tấn (bằng 106% so với cùng kỳ năm 2011). Trong đó hai tỉnh đạt sản lượng lớn nhất là Đắk Lắk đạt 16.462 tấn và Lâm Đồng đạt 8.089 tấn.

Hoạt động sản xuất giống thủy sản tập trung chủ yếu tại hai tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, sản lượng giống năm 2012 đạt 1.180 triệu cá bột các loại (trắm, trôi, mè, chép, rô phi và chim trắng). Trong đó Đắk Lắk đạt 980 triệu con và Lâm Đồng đạt 200 triệu con. Hiện nay tỉnh Lâm Đồng có 6 cơ sở đang triển khai sản xuất giống cá nước lạnh với sản lượng giống năm 2011- 2012 đạt 800.000 con giống cỡ lớn. Phương pháp sản xuất giống cá nước lạnh chủ yếu vẫn là nhập tế bào phôi trứng cá hồi từ Phần Lan và trứng cá tầm từ Cộng hoà Liên Bang Nga.

Theo nhận định của các đại biểu tham dự Hội nghị, khu vực Tây Nguyên có tiềm năng phát triển thuỷ sản lớn với nhiều hồ chứa, ao, sông suối. Tuy nhiên, nghềnuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản mới chiếm trung bình 31,4%  tổng diện tích tiềm năng. Diện tích và sản lượng thuỷ sản nuôi có xu hướng tăng lên, song chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong vùng.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản ở Tây Nguyên trong những năm qua tuy có phát triển nhưng diễn ra với tốc độ chậm, chưa phát huy hết tiềm năng và nguồn lực của vùng. Nguồn nước phân bố không đều, trong năm thường chỉ có 8 tháng mùa mưa, dẫn đến diện tích nuôi cá quanh năm không có nhiều do điều kiện tự nhiên chi phối. Việc nuôi lồng bè ở các sông gặp khó khăn do độ dốc của địa hình, khi mưa xuống tạo lưu tốc dòng chảy lớn. Cơ sở vật chất kỹ thuật trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản chưa được chú trọng đầu tư, hiện một số tỉnh chưa có trung tâm giống cấp tỉnh. Các cơ sở sản xuất giống, dịch vụ nghề nuôi, đánh bắt thủy sản còn nghèo, kỹ thuật lạc hậu. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ngành thủy sản của một số địa phương mới được tuyển dụng, kinh nghiệm trong công tác còn yếu. Cơ sở vật chất cho các Chi cục còn thiếu, mạng lưới cán bộ cơ sở còn rất mỏng. Trình độ kỹ thuật và tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc và nông dân còn lạc hậu, nguồn vốn của dân đầu tư cho phát triển thủy sản còn hạn chế, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Ngoài ra, giá cả các yếu tố đầu vào tiếp tục tăng cao ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất của người nuôi.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở các tỉnh Tây Nguyên, Hội nghị đã đưa ra kế hoạch sản xuất cũng như các giải pháp thực hiện. Năm 2013, kế hoạch đặt ra sẽ thả nuôi trên diện tích 29.496 ha (tăng 1.002 ha so với năm 2012) và Trong đó tập trung chủ yếu tại các tỉnh Đắk Lắk đạt 9.000 ha, Lâm Đồng là 3.289 ha và Gia Lai là 14.000 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2013 toàn khu vực theo kế hoạch là 32.716 tấn (tăng 246 tấn).

Để thực hiện mục tiêu này, giải pháp trước mắt được Hội nghị thống nhất đề ra là: Tăng cường công tác chỉ đạo quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuỷ sản, tiếp tục thực hiện công tác chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho động vật thuỷ sản. Hướng dẫn bà con thực hiện nghiêm túc Lịch mùa vụ và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Tích cực chủ động phòng chống lụt bão, ngập úng, khô hạn. Các cơ quan ban ngành địa phương cần phối hợp chỉ đạo phòng chống sạt lở, lũ quét ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thuỷ sản (cải tạo hệ thống thoát nước, gia cố bờ ao, bờ bao phòng chống sạt lở); chuẩn bị cơ sở để chống hiện tượng thiếu nước trong mùa khô; Phát triển các đối tượng cá nuôi truyền thống (cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi…) nhằm đảm bảo thực phẩm cho nhân dân địa phương; nuôi một số đối tượng giá trị kinh tế cao, có khả năng tham gia thị trường lớn như cá rô phi đơn tính, ba ba, tôm càng xanh. Tuỳ theo từng tỉnh có những vùng nuôi phát triển các loài cá nước lạnh vì dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao; từng bước đưa một số loài cá bản địa thành đối tượng nuôi chính, tạo sản phẩm cung cấp cho nhu cầu tại chỗ, tạo công ăn việc làm góp phần xoá đói giảm nghèo và từng bước làm giàu cho bà con; Tăng cường công tác kiểm tra các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chất lượng thức ăn và con giống. Các tỉnh có chính sách phân bổ hợp lý ngân sách trong việc trợ giá con giống, giá vật tư đầu vào cho người dân.

Về lâu dài, tiến hành đầu tư xây dựng các Trung tâm giống thuỷ sản cho tỉnh để giải quyết giống tốt cho nhu cầu nuôi của người dân. Đẩy mạnh và khuyến khích các hoạt động của trại giống tư nhân. Phát triển và hình thành các trại ương nuôi cá bột thành cá hương, cá giống tại các vùng sâu, vùng xa để cung cấp giống tại chỗ, giảm giá thành, giảm tỷ lệ chết, đáp ứng nhu cầu nuôi; Xây dựng dự án chuyển giao công nghệ nuôi các loài cá bản địa, sản xuất giống thả ra các vực nước tự nhiên để phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tạo sinh kế cho đồng bào sống bằng nghề khai thác thuỷ sản nội địa; Củng cố cơ quan quản lý, đề xuất thành lập các Trung tâm giống thuỷ sản, Chi cục thuỷ sản để quản lý hoạt động nuôi trồng thuỷ sản ở các địa phương. Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật; với các tỉnh miền núi cần mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi trồng thuỷ sản… Tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ; Từng bước ổn định, tiến tới hiện đại hóa nghề nuôi thủy sản vùng Tây Nguyên. Tăng cường nghề nuôi cá hồ chứa, kết hợp nghề nuôi, khai thác và bảo vệ nguồn lợi nhằm đảm bảo sử dụng mặt nước hồ chứa có hiệu quả; Tạo bước đột phá trong nuôi trồng thủy sản ở Tây Nguyên làm cơ sở cho việc phát triển nghề cá. Xác định phát triển các đối tượng cá nuôi truyền thống (cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi…) nhằm đảm bảo thực phẩm cho nhân dân địa phương; tăng cường nuôi một số đối tượng giá trị cao, có khả năng tham gia thị trường lớn như cá rô phi đơn tính, cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm); từng bước đưa một số loài cá bản địa thành đối tượng nuôi chính (cá thác lác, cá mũi trâu…).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền yêu cầu các tỉnh tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Trung tâm giống thủy sản của các tỉnh; Xây dựng các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung; Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sản xuất giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, sản xuất các giống loài bản địa… Điều tra đánh giá xây dựng dự án bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương, đặc biệt là bảo vệ các giống cá bản địa có giá trị kinh tế cao và các bãi cá đẻ trên các lòng hồ thuỷ điện.

www.fistenet.gov.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!