THỨ TƯ, ngày 22/1/2025

Tín hiệu quy hoạch

Chưa có đánh giá về bài viết

Đầu năm 2013, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Dự án quy hoạch sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng, bè đến năm 2020. Một thông tin đáng chú ý ở thời điểm kết thúc năm 2012, ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân sâu xa có vấn đề quy hoạch, các địa phương chưa làm hoặc làm thiếu khoa học dẫn đến những rối loạn, tổn thất. Nên việc phê duyệt quy hoạch trên của tỉnh Đồng Tháp là một tin Xuân.

Tỉnh Đồng Tháp ở đầu nguồn sông Mê Kông, giàu tiềm năng nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, năm 2012, sản lượng nuôi trồng thủy sản của ĐBSCL giảm gần 2%, nhưng tỉnh Đồng Tháp lại tăng. Diện tích nuôi cá tra của Đồng Tháp lớn nhất ĐBSCL, năm 2012 vẫn giữ 1.943 ha, sản lượng 386.910 tấn, tăng 17% so năm 2011. Đặc biệt, có 36 doanh nghiệp nuôi, chiếm 64,5% tổng diện tích. Các doanh nghiệp có vùng nuôi lớn như Công ty TNHH Hùng Cá 187 ha, Công ty CP Vĩnh Hoàn 116 ha, Công ty Docifish 61 ha. Còn các hộ nuôi cá thể, trên 1 ha có 105 hộ, chiếm 24,53% tổng số hộ nuôi cá tra; 84,2% hộ liên kết với doanh nghiệp chế biến, 87,5% hộ liên kết với nhà máy chế biến thức ăn. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đã góp phần vào kết quả ấy.

Năm 2013, Đồng Tháp đi tới vấn đề khó hơn nhưng cũng rất cần thiết là quy hoạch nuôi cá lồng, bè trên hệ thống sông rạch chằng chịt. Hiện nay, Đồng Tháp có 2.364 lồng, bè nuôi cá trên các con sông, sản lượng mỗi năm khoảng 15.000 tấn cá các loại. Tuy nhiên, phát triển tự phát đã làm ô nhiễm nguồn nước, phát sinh dịch bệnh, còn cản trở giao thông đường thủy.

Quy hoạch nhằm bố trí lại các vùng nuôi hợp lý, theo dự án, có 23 vùng nuôi cá lồng, bè với tổng chiều dài hơn 75km. Thực hiện theo hai giai đoạn, từ năm 2013 – 2015 bố trí 3.055 lồng, bè; từ 2016 – 2020 bố trí 3.600 lồng, bè.

Sở NN&PTNT sẽ xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cá lồng, bè; hệ thống quan trắc môi trường nước để giúp người nuôi bảo vệ cá và bảo vệ môi trường. Cấp giấy chứng nhận đăng ký cho các hộ nuôi cá lồng, bè. Ngân sách sẽ đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật như điện, biển báo vùng quy hoạch, biển báo chướng ngại vật và kinh phí hỗ trợ di dời lồng, bè vào vùng quy hoạch, dự kiến trước mắt hơn 13 tỷ đồng.

Khi vùng nuôi cá tra và vùng nuôi cá lồng, bè được quy hoạch, có thể hình dung đến những cụm kinh tế thủy sản. Ở đó, tập trung các nhà máy chế biến cũng như các cơ sở dịch vụ, đảm bảo nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao. Ngành thủy sản được tổ chức lại theo hướng sản xuất lớn, hiện đại để phát triển ổn định, đem lại lợi ích bền vững.

Tin Xuân từ Đồng Tháp nhưng cũng có thể hy vọng, đó là một xu hướng của ngành thủy sản ở ĐBSCL trong năm mới.

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!