Ngành tôm năm 2012: 5 vấn đề nổi nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

2012 – một năm nhiều khó khăn của ngành tôm Việt Nam cả về nuôi trồng và xuất khẩu. Vượt qua sóng gió, ngành tôm vẫn cơ bản hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch.

Dịch bệnh hoành hành

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012, tổng diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh là 100.776ha nghìn ha (tăng 3,2% so với năm 2011), trong đó, tôm sú là 91.714 ha (giảm 2,2%) xảy ra với diện tích quảng canh cải tiến và tôm thẻ chân trắng là 9.000 ha (tăng gấp 2,25 lần năm 2011). Nguyên nhân do hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS), đốm trắng, đầu vàng… gây thiệt hại lớn đến kinh tế và ảnh hưởng đến sản lượng, giá trị xuất khẩu. Các tỉnh bị thiệt hại nhiều như: Sóc Trăng 23.371 ha (56,6% diện tích thả nuôi), Bạc Liêu 16.919 ha, Bến Tre 2.237 ha, Trà Vinh 12.200 ha (49,3% diện tích) tôm sú và 24,2 ha tôm thẻ chân trắng, Cà Mau diện tích nuôi tôm công nghiệp bị bệnh 958,58 ha…

Người nuôi tôm hùm cũng điêu đứng khi đối mặt với tình trạng tôm giống thả nuôi bị chết nhiều nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, Phú Yên đã phải bỏ nghề.

 Khó cạnh tranh

Chi phí đầu vào tăng cộng với dịch bệnh, các yếu tố khác làm chi phí sản xuất tôm của Việt Nam tăng từ 15 – 25%. Giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao hơn tôm Ấn Độ từ 30 – 40%; gần 30% với tôm Ecuador; 15% với Indonesia và 10% so với Thái Lan. Bên cạnh đó, việc nhà nhập khẩu từ chối tôm Việt Nam vì dư lượng kháng sinh, khiến tôm của Việt Nam khó cạnh tranh được với các nhà cung cấp khác như Indonesia, Ấn Độ hay Ecuador…

2012, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 2,237 tỷ USD               Ảnh: An Đăng

Bất ổn giá thu mua

Năm 2012, tôm rớt giá thê thảm. Giá tôm nguyên liệu chỉ bằng với giá thành sản xuất hoặc cao hơn chút ít, thậm chí, giảm đến 50% so với cùng kỳ năm 2011. Thời điểm tháng 8/2012, tôm loại 20 con/kg chỉ còn 180.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 120.000 đồng/kg; còn tôm thẻ chân trắng phổ biến ở mức 75.000 – 85.000 đồng/kg, loại 100 con/kg. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không mặn mà mua. Trong khi đó, lượng tôm nguyên liệu được nhập về khá lớn, ước tính nhập từ Thái Lan khoảng 300 – 400/tấn/ngày bởi giá thành rẻ hơn. Bên cạnh tôm nguyên liệu xuất khẩu, giá tôm hùm cũng giảm mạnh. Vào tháng 8/2012, giá tôm hùm thương phẩm trọng lượng trên 1kg (tôm loại 1) chỉ có 1,2 triệu đồng/kg, giảm 1,3 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước, tôm 700 – 800 g (loại 2) còn hơn 800.000 đồng/kg, giảm hơn 1 triệu đồng… Theo một số hộ nuôi, giá tôm hùm giảm do thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, mà mặt hàng này chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, người nuôi tôm hùm còn bị các thương lái kén mua tôm loại 1 và 2 nên phải bán gộp 3 loại thành 1 loại với mức giá bình quân 870.000 đồng/kg.

 Nhiều rào cản thương mại

Giữa tháng 5/2012, Nhật Bản chính thức kiểm tra hàm lượng Ethoxyquin trong sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam với tần suất 30% và mức giới hạn tối đa chỉ là 0,01ppm (10ppb). Và đến tháng 9/2012, tần suất kiểm tra tôm nhập khẩu từ Việt Nam của Nhật Bản là 100%. Trong khi Ethoxyquin là chất được phép sử dụng trong bảo quản bột cá (thành phần chính của thức ăn chăn nuôi) ở hầu hết các quốc gia trên thế giới với mức dư lượng từ 75 – 150ppm. Đây là một rào cản và khó khăn lớn đối với tôm Việt Nam, bởi Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm 27,7% giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Do vậy, nếu không có giải pháp tháo gỡ, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản sẽ tiếp tục giảm.

Cuối tháng 11/2012, Hàn Quốc cũng bắt đầu áp dụng kiểm tra Ethoxyquin trong tôm nhập khẩu từ Việt Nam với mức dư lượng tối đa cho phép bằng Nhật Bản là 0,01ppm, tạo thêm gánh nặng và áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam. Việc kiểm tra Ethoxyquin ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Mới đây, tôm Việt Nam lại vướng kiện tại thị trường Mỹ, khi người nuôi tôm bản địa cho rằng tôm Việt Nam được bán theo giá trợ cấp của Chính phủ nên họ đã nộp đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ đòi xem xét áp thuế cao. Và một khi điều này được thực thi thì tôm Việt Nam sẽ phải chịu thêm một khoảng thuế chống bán phá giá mà Mỹ đang áp lên tôm Việt Nam nhập khẩu thị trường này từ năm 2004.

 Xuất khẩu không đạt mục tiêu

Năm 2012, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang 92 thị trường thế giới đạt 2,237 tỷ USD (mục tiêu ban đầu là 2,4 tỷ USD), giảm 6,6% so với năm 2011. Trong 10 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam (chiếm hơn 95,2% giá trị xuất khẩu tôm của cả nước) thì có tới 5 thị trường giảm mạnh như EU giảm 24,5%, Mỹ giảm 18,6%, Canada giảm 15,9%, Thụy Sỹ giảm 11,4% và ASEAN giảm 24,9%.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!