Dự báo từ VASEP cho biết, năm 2013 lượng tôm xuất khẩu sẽ dưới 200.000 tấn, giá trị khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 13% so năm 2012.
Nhiều rào cản
Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2012, cả nước có khoảng 100.776 ha diện tích tôm nước lợ bị thiệt hại do dịch bệnh, đặc biệt là ở ĐBSCL. Tôm chết do nhiều bệnh, nhiều nguyên nhân, đặc biệt là Hội chứng hoại tử gan tụy/EMS. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này đang còn là một bí ẩn. Dịch bệnh chưa được đẩy lùi, thêm vào đó là tình trạng nhiều thương lái âm thầm thu gom tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, khiến nguồn tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng, gây khó cho các nhà máy chế biến xuất khẩu tôm.
Mặt khác, từ khi Nhật Bản dựng rào cản Ethoxyquin đối với tôm Việt Nam thì giá xuất khẩu tôm bị ảnh hưởng mạnh, liên tục giảm từ 1,5 đến 16,6%. Nhiều doanh nghiệp dự báo, nếu vấn đề chất Ethoxyquin không sớm được giải quyết thì giá tôm năm 2013 sẽ giảm thêm 30.000 – 50.000 đồng/kg chứ không dừng như hiện nay. Mới đây Hàn Quốc cũng bắt đầu kiểm tra dư lượng Ethoxyquin trong tôm xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ Nhật, hai thị trường xuất khẩu tôm lớn khác của Việt Nam là Mỹ và EU cũng giảm liên tục. Thời gian tới, nhu cầu tôm tại Mỹ ít có khả năng tăng, do dự trữ mặt hàng này còn khá nhiều. Bên cạnh đó, sản phẩm tôm xuất khẩu của nước ta ngày càng giảm thế cạnh tranh so với Thái Lan, Indonesia, Ecuador, Ấn Độ…, bởi giá thành sản xuất quá cao, tỷ lệ nuôi thành công thấp, chỉ đạt 30 – 40%. Chẳng hạn, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Nhật với giá bán 11,2 USD/kg, trong khi tôm Ấn Độ xuất khẩu sang thị trường này 8,6 USD/kg.
2012, xuất khẩu tôm Việt Nam phải đối mặt với nhiều rào cản – Ảnh: An Đăng
Những ngày cuối năm 2012, xuất khẩu tôm lại nhận được tin không vui: Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh (COGSI) đề nghị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm nhập khẩu từ Việt Nam và 6 nước khác, với lý do nghi ngờ tôm nhập từ các nước này nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. Có thể ngành tôm Việt Nam sẽ càng gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu sang Mỹ, vì khi đó con tôm bị áp cả 2 loại thuế (bán phá giá và bán trợ cấp).
Đoàn kết
VASEP dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2013 có thể đạt 2,4 tỷ USD (tăng 6,5% so năm 2012) nếu giải quyết được những tồn tại: dịch bệnh, cạnh tranh tôm nguyên liệu từ thương lái Trung Quốc, thị trường và rào cản Ethoxyquin. Một số thị trường đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Lượng tôm xuất khẩu sang các nước châu Á có thể tăng vì tăng trưởng kinh tế khu vực này được dự báo ở mức ổn định. Các thị trường Singapore, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc có khả năng vẫn tăng. Thêm vào đó, hai thị trường nhập khẩu lớn Hàn Quốc và Australia suốt năm 2012 đều duy trì tăng trưởng.
Mặt khác, Chính phủ thể hiện quyết tâm cao trong việc hạn chế cũng như tìm chất thay thế Ethoxyquin trong thức ăn nuôi tôm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Chính phủ đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ những khó khăn về thị trường, đặc biệt vấn đề Ethoxyquin. Tuy nhiên, chúng ta nên đấu tranh trên tinh thần để bán được nhiều hơn chứ không phải để mất thị trường. Bộ đang tích cực đàm phám với phía Nhật, yêu cầu xem xét lại vấn đề Ethoxyquin. Tuy nhiên, bên cạnh đó, doanh nghiệp và hộ sản xuất trong nước cần áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dư lượng Ethoxyquin trong tôm nguyên liệu. Như vậy, thời gian tới, nếu tìm được giải pháp chữa bệnh tôm chết sớm, tìm được chất thay thế Ethoxyquin, có chế tài pháp lý hoặc biện pháp ngăn chặn tình trạng thương lái tranh mua tôm nguyên liệu để xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc… thì có thể hy vọng năm 2013 tình hình tốt hơn.
Tuy nhiên, cũng có giả thiết, nếu hai thách thức chính là dịch bệnh và “rào cản Ethoxyquin” tại Nhật không được giải quyết hoặc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng, thêm vào đó, những khó khăn về vốn vay cho doanh nghiệp đầu tư nuôi và thu mua nguyên liệu chưa được Nhà nước và ngân hàng quan tâm thỏa đáng thì rất có thể ngành tôm sẽ gặp khó nhiều hơn trong năm 2013. Theo đó, nguồn cung tôm nguyên liệu xuất khẩu có thể giảm 30 – 40%, tôm sú nuôi quảng canh sẽ có cơ hội phát triển nhưng sản lượng nuôi thấp, sản lượng tôm thẻ chân trắng giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu tôm để gia công chế biến xuất khẩu; giá tôm xuất khẩu sẽ tăng do cầu lớn hơn cung.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình thế khó nhất, giải pháp tối ưu vẫn là tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp xuất khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nhau chia sẻ để có mức giá bán tốt nhất cho cả doanh nghiệp lẫn người nuôi tôm; chủ động khai thác các thị trường có thế mạnh khác ngoài Mỹ, Nhật và tiếp tục tận dụng giá nhân công còn rẻ để nhập khẩu nguyên liệu, đa dạng hóa thành phẩm và thị trường.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám: Năm 2013 tập trung kiểm soát tốt chất lượng đầu tư, đầu vào đối với tôm. Trong đó, chú trọng kiểm soát tôm bố mẹ (cả tôm nhập khẩu lẫn tôm trong nước); thức ăn (nhất là chế phẩm sinh học). Tổng cục Thủy sản cần mở chiến dịch tổng kiểm tra rà soát lại chất lượng chế phẩm sinh học dùng trong thức ăn thủy sản. |