(TSVN) – Ngày 5/4/2022, Bộ NN&PTNT đã có Thông báo số 074/TB-BNN-VP về kết luận của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị “Phát triển ngành tôm năm 2022 và ký quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022”.
Năm 2022, ngành tôm Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: Ô nhiễm môi trường, khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; giá xăng dầu, giá vật tư đầu vào (giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường) tăng cao; chiến tranh giữa Nga – Ukraine, cạnh tranh thương mại quốc tế khó lường, đặc biệt là các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan… Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ngành tôm nước ta cũng có nhiều cơ hội tiếp tục phục hồi và phát triển tốt, nhu cầu đối với các mặt hàng thủy sản của thế giới gia tăng sẽ mở rộng cơ hội về thị trường cho sản phẩm tôm của nước ta.
Do đó, để khai thác tốt nhất cơ hội, hạn chế rủi ro, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2022 cao hơn năm 2021, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan, đơn vị, hội, hiệp hội, doanh nghiệp và người nuôi tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Với các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT – Tổng cục Thủy sản: Cần tổ chức kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý giống tôm nước lợ năm 2022; chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý điều kiện nuôi trồng thủy sản giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS; tổng hợp và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong ngành tôm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chuyển giao khoa học công nghệ nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu của thị trường và truy xuất nguồn gốc.
Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản: Chủ động, thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin để địa phương, doanh nghiệp, người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Cục Thú y: Thực hiện tốt công tác kiểm dịch, kiểm soát chất lượng trong nhập khẩu tôm nguyên liệu, tôm bố mẹ, giống tôm; Tăng cường kiểm dịch và kiểm soát dịch bệnh trên tôm nước lợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi; Tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong sản xuất, lưu thông kháng sinh cấm sử dụng trong NTTS; đẩy mạnh xây dựng, phát triển cơ sở, vùng sản xuất giống, nuôi tôm an toàn dịch bệnh; kịp thời chia sẻ thông tin với Tổng cục Thủy sản để phối hợp chỉ đạo.
Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản: Kiểm soát tốt chất lượng, ATTP sản phẩm tôm xuất khẩu; kiểm soát tốt tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng và uy tín trên thị trường quốc tế.
Vụ Hợp tác quốc tế: Kịp thời thông tin, phối hợp xử lý các rào cản từ thị trường nhập khẩu tôm; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, mở mới thị trường và xây dựng, quảng bá sản phẩm tôm Việt Nam.
Các viện nghiên cứu, trường đại học: Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ về chọn tạo giống tôm, nghiên cứu và xây dựng các quy trình công nghệ mới phù hợp với từng điều kiện, mô hình sản xuất đảm bảo hiệu quả, giảm chi phí, thân thiện với môi trường để người dân, doanh nghiệp áp dụng.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Tổ chức nhân rộng các mô hình nuôi mới, công nghệ cao; mô hình nuôi bền vững; mô hình liên kết trong sản xuất tôm nước lợ nhằm giảm giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Các địa phương ven biển: Xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2022; chỉ đạo thực hiện tốt các quy định về điều kiện nuôi, đặc biệt là công tác xác nhận đăng ký (cấp mã số) cơ sở nuôi tôm phục vụ truy xuất nguồn gốc. Thực hiện tốt Quy chế quản lý giống tôm nước lợ năm 2022. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường NTTS, kiên quyết xử lý sai phạm và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông. Đẩy mạnh tổ chức liên kết trong chuỗi tôm (các cơ sở nuôi nhỏ lẻ cần liên kết thành lập các THT/HTX, các THT/HTX cần liên kết với các doanh nghiệp từ cung ứng vật tư đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm), đảm bảo chuỗi sản xuất tôm vận hành liên hoàn, tiết kiệm nguồn lực, giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất. Triển khai có hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kịp thời khuyến cáo, cảnh báo cho người nuôi; hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Tổ chức thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi công nghệ cao, mô hình tự động hóa trong nuôi tôm, các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp chủ động sản xuất hiệu quả.
Các Hội, Hiệp hội về thủy sản: Vận động, tuyên truyền các hội viên thực hiện nghiêm các quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn; tích cực tham gia nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.
Các doanh nghiệp, người nuôi tôm: Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về NTTS, ATTP, thú y. Trước mắt, khẩn trương thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực theo quy định tại Điều 36 của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP. Nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC, …) để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới. Tuân thủ các quy định về sử dụng chất cấm, thuốc, hóa chất cấm trong nuôi tôm; áp dụng đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Diệu An