Tăng cường quan trắc môi trường vùng nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thực tiễn sản xuất tại địa phương triển khai 7 giải pháp nhằm kịp thời cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Công điện số 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh; số 128/CĐ-TTg ngày 8/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ảnh minh họa. Ảnh: ST

Cùng đó, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi; tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III, Viện Nghiên cứu Hải sản và các hướng dẫn kỹ thuật kèm theo; đồng thời rà soát, bổ sung điểm, thông số và tần suất quan trắc phù hợp thực tiễn sản xuất và yêu cầu của các đoàn thanh tra về an toàn thực phẩm…; chủ động kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi trồng thủy sản đặc biệt là vùng nuôi lồng bè.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến tới người nuôi thông tin khí tượng thủy văn, diễn biến mực nước và mức độ hạn hán và xâm nhập mặn; kết quả diễn biến chất lượng môi trường và dịch bệnh theo phương châm “phòng bệnh chủ động từ sớm, từ xa” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thiết lập “đường dây nóng” để tiếp nhận, xử lý kịp thời khi xảy ra bệnh, thủy sản nuôi chết hoặc có dấu hiệu bất thường tại cơ sở; kịp thời báo cáo cho cơ quan cấp trên (Cục Thủy sản và Kiểm ngư) để phối hợp xử lý với các trường hợp bệnh mới, chưa rõ nguyên nhân, tác nhân.

Cùng đó, tổ chức giám sát bệnh chủ động, điều tra dịch tễ, chẩn đoán xét nghiệm xác định nguyên nhân dịch bệnh; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo công tác kiểm dịch giống hiệu quả và giống xuất tỉnh phải được giám sát hoặc kiểm tra xét nghiệm bệnh trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch; xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi thương phẩm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh; kiểm tra việc quản lý, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, vắc xin, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương, dự phòng hóa chất khử trùng để xử lý dịch bệnh thủy sản.

Bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 và chương trình quan trắc môi trường phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2040 của Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, chấn chỉnh công tác thống kê, báo cáo số liệu quan trắc môi trường, dịch bệnh thủy sản, đặc biệt tại cấp thôn, xã; rà soát chấn chỉnh hoạt động xét nghiệm bệnh trên địa bàn tỉnh. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản nhằm mục tiêu kịp thời cảnh báo sớm diễn biến chất lượng môi trường, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, xây dựng thành công các vùng, cơ sở và chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm thủy sản phù hợp với xu thế hội nhập, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; đảm bảo tốc độ tăng trưởng theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Bảo Hân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!