(TSVN) – Theo kết quả của một số nghiên cứu mới cho thấy, việc sử dụng các chất nền trong hệ thống Biofloc có thể thúc đẩy sự phát triển của hậu ấu trùng TTCT.
Mật độ thả ngày càng tăng đã dẫn đến tình trạng stress chủ yếu do sự quá tải và suy giảm chất lượng nước ao. Các hệ thống dựa trên công nghệ Biofloc (BFT) đã được coi là sự thay thế hiệu quả và bền vững để nuôi các sinh vật dưới nước. Trong các hệ thống này, một cộng đồng các vi sinh vật dị dưỡng chủ yếu được kích thích phát triển bằng cách điều khiển tỷ lệ carbon/nitơ (C/N) trong nước và thêm một nguồn carbon hữu cơ bên ngoài (Avnimelech, 2007, 2012). Cộng đồng vi sinh vật này, cùng với tảo, động vật nguyên sinh, mảnh vụn và các hạt hữu cơ, hình thành các tập hợp gọi là “flocs” góp phần duy trì chất lượng nước tốt bằng cách hấp thụ amoni và ngăn ngừa sự tích tụ các hợp chất nitơ vô cơ độc hại.
Biofloc cũng đóng vai trò là nguồn thức ăn bổ sung tại chỗ và có thể tác động tích cực đến hoạt động của enzyme tiêu hóa, đồng thời góp phần vào việc tiêu hóa và sử dụng thức ăn. Trong các hệ thống như vậy, ít hoặc không có trao đổi nước nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc với mầm bệnh và giúp chi phí sản xuất có lợi hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng TTCT được nuôi trong các hệ thống Biofloc đã được cải thiện tỷ lệ sống và tăng trưởng, giảm tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) và giúp phòng các bệnh do vi khuẩn (Ekasari et al., 2014).
Chất nền có thể cung cấp nơi trú ẩn cho tôm, từ đó giảm hành vi ăn thịt đồng loại, dẫn đến tăng tỷ lệ sống và năng suất. Ảnh: TFS
Giai đoạn hậu ấu trùng PL là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của tôm. Ở giai đoạn phát triển này, tôm giống thường được thả với mật độ cao (lên đến 60 con/l nước) để tiết kiệm không gian và năng lượng. Tuy nhiên, tôm được nuôi ở mật độ này có thể biểu hiện hành vi ăn thịt đồng loại và cạnh tranh không gian trong bể hoặc ao, dẫn đến chất lượng nước bị suy giảm. Để giải quyết những thách thức này, một số nhà sản xuất tôm đang sử dụng giá thể nhân tạo để cung cấp cho tôm giống có thêm diện tích bề mặt và nơi trú ẩn trong môi trường nuôi. Theo Thompson, Abreu & Wasielesky (2002) việc bổ sung chất nền nhân tạo trong ao nuôi làm tăng diện tích bề mặt cho các vi khuẩn dị dưỡng và nitrat hóa xâm chiếm, cung cấp khối lượng vi sinh vật nhiều hơn cho ao nuôi và cải thiện điều kiện chất lượng nước từ việc loại bỏ nitơ. Chất nền cung cấp nơi trú ẩn cho tôm để thoát khỏi các tương tác hành vi tiêu cực, đặc biệt là trong quá trình lột xác và giảm thiểu tác động tiêu cực của mật độ thả. Arnold, Coman, Jackson và Groves (2009) cũng chứng minh rằng sự tăng trưởng của tôm sú giống được cải thiện khi được nuôi trong các bể chứa vi sinh vật với chất nền nhân tạo.
Một nghiên cứu của Enrique Guemez‐Sorhouet và cộng sự (2018) đã sử dụng polyetylen để thực hiện thử nghiệm nhằm so sánh 2 công nghệ nuôi tôm là công nghệ Biofloc và nuôi tôm tuần hoàn nước sạch đến sự tăng trưởng của tôm nuôi và chất lượng nước. Các tấm polyetylen (0,40 x 0,25 m) được treo bên trong các bể chứa nước Biofloc để cho phép phát triển sinh vật bám. Sau 15 ngày, nước Biofloc đã được sử dụng để bổ sung vào, các chất nền nhân tạo được chuyển và đặt bên trong các bể. Ba mật độ thả (300, 600 và 900 PL/m3) và điều kiện nuôi cấy trong 3 hệ thống (CW – nước trong; B – Biofloc; và BS – Biofloc với chất nền nhân tạo) mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. TTCT (trọng lượng 0,17 ± 0,03 g) và được nuôi với 9% tổng sinh khối với thức ăn viên công nghiệp có 35% protein thô, cho ăn 3 lần/ngày (9 giờ, 14 giờ và 19 giờ). Kết quả cho thấy, mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc có chất nền nhân tạo giúp làm giảm hiệu ứng căng thẳng của việc nuôi ở mật độ cao biểu hiện bằng sự tăng trưởng cao hơn so với nhóm tôm được nuôi trong hệ thống tuần hoàn nước sạch.
Mới đây, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc bổ sung chất nền nhân tạo lên chất lượng nước, sự phát triển của TTCT và cộng đồng vi khuẩn trong hệ thống Biofloc với độ mặn 5%. Nghiên cứu sử dụng cuộn nilon dạng ống làm chất nền, chia làm 2 nghiệm thức và mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần. Nghiệm thức 1 là hệ thống Biofloc với 52,4% diện tích bên trong của bể được bao phủ bởi cuộn nilon (đường kính 15 cm) và nghiệm thức đối chứng là hệ thống Biofloc không có chất nền.
Kết quả của thử nghiệm cho thấy, chất nền có ảnh hưởng đáng kể đến tổng amoniac nitrat, (TAN), tổng chất rắn lơ lửng (TSS), độ đục, khối lượng Biofloc, pH và độ kiềm carbonate. Ngoài ra, trong nghiên cứu này, trọng lượng cuối cùng, tăng trọng cơ thể hàng tuần và tốc độ tăng trưởng của tôm trong nghiệm thức bổ sung chất nền cao hơn 10 – 11,1%. Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận ở nghiệm thức bổ sung chất nền có tỷ lệ sống 96%, hệ số chuyển đổi thức ăn là 0,76 và tổng năng suất là 1,54 kg/m3, một sự cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng.
Nguyễn An
Theo Thefishsite