Hiệp hội Cá tra Việt Nam – Hiệp hội của niềm kỳ vọng

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau hơn 4 năm vận động thành lập, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã ra đời ngày 2/3/2013, đang là kỳ vọng nhằm gia tăng sự liên kết giữa sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu, góp phần nâng cao chuỗi giá trị cá tra.

Thế mạnh

Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực, sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thủy sản, chỉ trong 10 năm lại đây, diện tích nuôi cá tra cả nước đã tăng 5 lần (đạt 6.000 ha), sản lượng tăng 36 lần (đạt 1,35 triệu tấn), giá trị xuất khẩu tăng gần 45 lần (từ 40 triệu USD năm 2000 lên trên 1,8 tỷ USD năm 2011 và năm 2012 là 1,74 tỷ USD), chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản và đóng góp khoảng 2,2% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành cá tra gặp rất nhiều thách thức. Năm 2012, cá tra được xuất khẩu sang 142 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường chính đều sụt giảm, nhất là EU và Arập Xêut; tiếp đến là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập… Mặt khác, nhiều rào cản thương mại, kỹ thuật được một số nước dựng lên nhằm hạn chế nhập khẩu, ảnh hưởng tới xuất khẩu và nuôi trồng cá tra của Việt Nam. Trong nước, các hộ nuôi không còn mặn mà với cá tra khi gặp quá nhiều khó khăn trong sản xuất; thiếu vốn, thiếu cơ chế và hành lang pháp lý dành riêng cho cá tra. Hơn bao giờ hết, ngành cá tra Việt Nam cần được quản lý và điều chỉnh ở tất cả các khâu, nhằm đảm bảo lợi ích của người nuôi và doanh nghiệp. Ngoài ra, Đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL đến năm 2020 của Thủ tướng đã xác định cá tra là một trong những mặt hàng chủ lực của cả nước. Vì vậy, cùng với sự ra đời Ban chỉ đạo điều hành của Bộ NN&PTNT, cần phải có một tổ chức cộng đồng nhằm từng bước quản lý ngành sản xuất cá tra toàn diện, phát triển bền vững…

 

Dấu mốc quan trọng

Đại hội thành lập Hiệp hội Cá tra Việt Nam được tiến hành với sự tham gia của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các tỉnh, thành phố ở ĐBSCL, các viện, trường, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và dại diện các hộ nuôi cá tra trong vùng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam (Vietnam Pangasius Association – VN Pangasius), trụ sở chính đặt tại Cần Thơ. Đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập dựa trên sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu; hoạt động nghiên cứu, dịch vụ hỗ trợ sự phát triển bền vững ngành hàng cá tra.

Ban Thường vụ Hiệp hội Cá tra Việt Nam

Đại hội nhiệm kỳ 1 (2013 – 2015) của VN Pangasius đã thông qua Điều lệ gồm 7 chương và 24 điều; bầu Ban Chấp hành với 48 thành viên; Ban Thường vụ gồm 18 thành viên; Thường trực Hiệp hội có 6 thành viên. Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. Bốn Phó chủ tịch khác gồm các ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CAFATEX; Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt; Trần Trung Ngươn, Phó giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm An Giang; Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long.

 

Xây dựng thương hiệu

Hiệp hội Cá tra ra đời được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bất cập, để tận dụng lợi thế gần như độc quyền “trời cho”, chưa có sự cạnh tranh nào, góp phần đưa ngành cá tra phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả. Đây là kết quả đồng thuận cao của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các cơ quan quản lý, các địa phương vùng ĐBSCL cùng các bên liên quan trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Những năm đầu hoạt động, Hiệp hội sẽ tập trung vào công tác quy hoạch, ổn định sản lượng nuôi và chế biến; trong đó, đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trở thành thương hiệu mạnh. Công tác liên kết được đề cao giữa các doanh nghiệp với các cấp chính quyền địa phương, giữa doanh nghiệp với hộ nuôi và giữa các doanh nghiệp với nhau. Cùng đó, liên kết các viện, trường, cơ quan nghiên cứu để có những đề xuất, kiến nghị liên quan ngành, nhằm thúc đẩy ngành thủy sản nói chung và cá tra nói riêng phát triển bền vững. Đại hội cũng đề ra mục tiêu đến năm 2015: sản lượng cá tra nguyên liệu đạt 1,2 – 1,5 triệu tấn, xuất khẩu 800.000 tấn, kim ngạch 1,8 – 2,25 tỷ USD; tiêu thụ nội địa 150.000 tấn, tạo việc làm cho 23 vạn lao động. Đến năm 2020, sản lượng cá tra nguyên liệu đạt 1,5 – 2 triệu tấn, xuất khẩu 1 triệu tấn với kim ngạch 2,25 – 2,5 tỷ USD; tiêu thụ nội địa 200.000 tấn, tạo việc làm cho 25 vạn lao động.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Vũ Văn Tám: Hiệp hội Cá tra cần nhanh chóng kiện toàn bộ máy hoạt động, đảm bảo quyền và lợi ích các bên liên quan; phát huy tốt vai trò cầu nối giữa hội viên với cơ quan quản lý; tham gia tích cực vào quá trình tổ chức lại chuỗi sản xuất và tiêu thụ cá tra. Đặc biệt, sớm tham gia xây dựng và hoàn thiện Nghị định về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra, trình Chính phủ phê duyệt, nhằm đưa cá tra Việt Nam phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả.

Trường Ca - Văn Thông

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!