Khuyến khích phát triển đàn tôm bố mẹ

Chưa có đánh giá về bài viết

Mỗi năm Việt Nam cần hàng chục tỷ con tôm giống các loại nhưng sản xuất trong nước vẫn hoàn toàn phụ thuộc tôm nhập khẩu. Chất lượng tôm và vấn đề giá cả vẫn “treo lửng”, người nuôi tôm không khỏi thấp thỏm lo đầu vào con giống.

Thấy gì từ vụ việc của Công ty Việt – Úc?

Vụ việc bắt đầu khi một số nguồn tin cho rằng Công ty Việt – Úc đã sử dụng tôm nuôi khảo nghiệm và tôm không rõ nguồn gốc trà trộn bán ra thị trường, gây nguồn dịch bệnh làm chết tôm nuôi ở một số nơi. Ngày 17/1/2013, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận đã gửi văn bản kiến nghị tới Sở NN&PTNT Bình Thuận cùng các cơ quan chức năng liên quan, kiến nghị thanh, kiểm tra về sản xuất kinh doanh tôm giống của Công ty Việt – Úc.

Sau kiểm tra, Sở NN&PTNT Bình Thuận kết luận: không có việc Công ty Việt – Úc Bình Thuận trà trộn tôm giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ Trung Quốc bán ra thị trường. Hiện, 20.600 con tôm thẻ chân trắng, 85.000 con tôm thẻ post đang được nuôi khảo nghiệm tôm bố mẹ tại Công ty đều có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất, chọn lọc từ các lô tôm bố mẹ nhập khẩu từ Singapore, Mỹ, Thái Lan.

Hiện, tôm bố mẹ đa phần được nhập khẩu từ nước ngoài – Ảnh: Nam Anh

Ông Nguyễn Công Cẩn, Phó Giám đốc Kỹ thuật Công ty Việt – Úc cho biết: Dự án phát triển đàn tôm giống được thực hiện từ năm 2010, Công ty vẫn đang trong giai đoạn thực hiện lai tạo, tạo ra thế hệ F3 (2013 – 2014) để đánh giá chất lượng tôm lai tạo và đạt mục tiêu tăng trưởng 20% đàn giống. Đối thủ cạnh tranh vẫn luôn theo dõi diễn biến việc này nên Công ty chưa muốn công khai việc lai tạo. Tuy nhiên, sau những gì đã xảy ra, Công ty buộc phải thông báo việc lai tạo.

 

Có nên gia hóa?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mỗi năm Việt Nam đang phải nhập mấy trăm nghìn cặp tôm giống bố mẹ với giá 20 – 60 USD/cặp, giá đắt nhưng không hoàn toàn có cơ sở, có nguồn tương đối tốt, có nguồn chất lượng chưa tốt. Việt Nam đang phát triển tôm bố mẹ tại 3 cơ sở, nên việc làm của Công ty Việt – Úc cũng trong định hướng của ngành về phát triển đàn tôm giống tại Việt Nam. Chúng ta đang xây dựng chương trình từ nay đến 2018 kết hợp giữa các viện với các công ty. Các viện sẽ tập trung vấn đề liên quan khoa học, sau đó đưa tới các công ty thực hiện và đưa ra thị trường. Tổng cục sẽ chủ trì, điều phối, hỗ trợ pháp lý cho các đơn vị khi tiến hành gia hóa tôm bố mẹ. Hiện, Tổng cục đề nghị tiếp tục lưu giữ 3 đàn tôm bố mẹ và 8 quần đàn lai chéo hiện có tại Công ty Việt – Úc làm nguồn nguyên liệu di truyền ban đầu, có giá trị lâu dài cho chương trình phát triển đàn tôm bố mẹ.

Ông Nguyễn Công Cẩn cũng khẳng định: “Công ty Việt – Úc đang trong giai đoạn thực hiện lai tạo đàn tôm bố mẹ, từ nay đến năm 2014 là thời điểm đánh giá chất lượng. Công ty đã nhận được văn bản của Tổng cục khuyến khích nhân giống đàn tôm bố mẹ. Hiện, khâu kỹ thuật, việc hợp tác với Viện CSIRO (Australia) vẫn đang diễn ra trong dự kiến. Đây là đơn vị đi đầu về khoa học, với những ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất và nhân giống tôm giống đã thành công, kết hợp với những ứng dụng thử nghiệm thực tế của chúng ta sẽ tạo ra được những thuận lợi riêng. Theo tôi, với những gì mà Việt – Úc đang làm và điều kiện của Việt Nam về diện tích ao hồ, địa hình giáp biển, với nhu cầu phát triển của thủy sản sẽ tạo được thành công. Đặc biệt, khi chúng ta đi sau các nước khác sẽ học hỏi được những ứng dụng của họ để áp dụng thành công vào điều kiện của mình”.

Tuy nhiên, việc gia hóa tôm bố mẹ vẫn trong giai đoạn chờ kết quả. Nếu số lượng tôm bố mẹ bán ra đạt trên 50 nghìn con/năm, mức chi phí sẽ rẻ hơn so với việc doanh nghiệp đang phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Trong sản xuất, khâu giữ giống vẫn chiếm chi phí cao nhất trong quy trình nhân giống tôm bố mẹ, bao gồm chi phí vận hành, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ hoạt động gìn giữ tôm giống… chiếm 80% vốn sản xuất.

Đại diện Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản II cũng khẳng định: Việc gia hóa đàn tôm giống bố mẹ tại Việt Nam là cần thiết. Tuy đã muộn so với thế giới nhưng còn chủ động cho kế hoạch quốc gia. Chúng ta có gia hóa được trên TTCT vì loại tôm này chống chịu tốt hơn với tôm sú trong tình hình ô nhiễm môi trường hiện nay. Cách làm của Công ty Việt – Úc là đúng hướng thế giới, cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước về nguồn vật liệu. Việt Nam có thể thực việc gia hóa tôm bố mẹ, tuy những công tác chuẩn bị vật liệu còn chậm hơn so với thế giới. Ở một số nước, việc gia hóa đã thực hiện qua mười mấy thế hệ, có nơi hơn 40 thế hệ. Để thực hiện tốt khâu nhập vật liệu, cần chú trọng nhập khẩu nguồn vật liệu tự nhiên, sử dụng những đàn tôm giống chưa gia hóa. Mấu chốt việc này là cơ quan quản lý Nhà nước, đứng đầu là Tổng cục Thủy sản phải làm.

>> Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hiệp hội tôm giống Bình Thuận: Gia hóa tôm bố mẹ là một vấn đề rất hệ trọng, vì tôm giống quyết định đến hơn 50% thành công vụ nuôi. Việc gia hóa phải được thực hiện bài bản, theo một quy trình nghiêm ngặt và được giám sát chặt chẽ về nguồn gốc để tránh trùng huyết, lai chéo. Ở Việt Nam, gia hóa tôm đã rất cần thiết, tuy nhiên, tôi nhận thấy thì chúng ta vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện, nhất là chưa có một khu vực an toàn tuyệt đối với dịch bệnh.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!