Cua Hoàng đế NaUy là loài cua rất đặc biệt, chúng được cung cấp “phòng ở” hạng sang trong sân bay Oslo trước khi đến tay khách hàng.
Người Mỹ có câu ngạn ngữ rằng: “Bạn không thể dạy một con cua đi trên một đường thẳng”. Tuy nhiên, cua Hoàng đế khác với những loài cua khác – đôi chân dài nhọn của chúng có thể dễ dàng di chuyển sang ngang và tiến về phía trước.
Đặc biệt, đáng kinh ngạc hơn dáng đi của chúng là việc mỗi ngày có hàng nghìn con cua Hoàng đế “làm thủ tục” vào phòng chờ VIP ở khu vực sân bay Oslo, Gardermoen, Na Uy. Từ đó, chúng tỏa đi khắp thế giới, cuối cùng đến tay những đầu bếp hàng đầu ở Tokyo (Nhật Bản), Seattle (Mỹ), Hong Kong (Trung Quốc) hay London (Vương quốc Anh).
Cua Hoàng đế ở Na Uy là cua Hoàng đế đỏ – loại cua có kích thước lớn nhất, được đánh giá ngon nhất trong họ cua Hoàng đế. Thực tế, cua Hoàng đế đỏ không phải loài bản địa của Na Uy, chúng đã “vượt biên” từ Nga vào quốc gia Bắc Âu này từ những năm 60-70.
Ban đầu người dân Na Uy coi chúng là quái vật do hình thù xù xì đầy gai nhọn, sức sinh sản “con đàn cháu đống” nhanh chóng cùng khả năng nuốt chửng mọi thứ trên đường đi qua đáy biển của chúng. Khi loài cua này di chuyển từ vùng biển Nga vào vùng biển Na Uy, chúng đã bỏ lại những vỏ ngao rỗng, vụn sao biển hay xác những sinh vật khác.
Hương vị món cua Hoàng đế chưa từng làm thượng đế thất vọng. Nguồn ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy
Đến những năm 1990, cua Hoàng đế phát triển nhiều đến mức mỗi mẻ lưới ngư dân Finnmark (hạt thuộc nằm ở phía Đông Bắc, Na Uy) kéo lên đều đầy ắp loài này. Hồi đó, các ngư dân vô cùng tuyệt vọng, vì với họ đây là một sự khủng hoảng lớn.
Tuy nhiên, người Na Uy sớm hiểu rằng họ hoàn toàn không thể thoát khỏi những con cua “quái vật”, vì vậy họ biến cua Hoàng đế thành một nguồn tài nguyên và tiến hành khai thác chúng. Điều này đã được chứng minh là một chiến lược khôn ngoan. Ngày nay, cua Hoàng đế đỏ có lẽ là loài xâm lấn được đánh giá cao nhất trong danh sách đen của Na Uy. Danh sách đen của Na Uy là văn bản tổng quan về các loài xâm lấn ở Na Uy đi kèm đánh giá rủi ro sinh thái đối với một số loài.
Cua hoàng đế Na Uy được đánh giá là mặt hàng xa xỉ trên bàn tiệc, là một món ngon đẳng cấp thế giới bởi những thớ thịt thơm ngon, ngọt đậm, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như vitamin B12, kẽm, selen, sắt…
Và giá trị từ ngành công nghiệp phát triển xung quanh cua Hoàng đế hiện nay đã thực sự gây bất ngờ.
Cua Hoàng đế sống ở khu vực biển Na Uy do chính quyền Na Uy quản lý. Hàng năm, Viện Nghiên Cứu biển Na Uy (HAVFORSKNINGSINSTITUTTET) sẽ tiến hành khảo sát quần thể cua hoàng đế ở Đông Finnmark, khu vực khai thác theo hạn ngạch.
Giới chức Na Uy đã phát triển một chiến lược gồm hai phần để duy trì quần thể cua Hoàng đế bền vững: Thứ nhất, đánh bắt dài hạn được kiểm soát bằng hạn ngạch ở Đông Finnmark. Thứ hai, hạn chế phát tán loài này ra ngoài khu vực chỉ định. Do đó, để bảo vệ các loài có giá trị khác như cá Tuyết khỏi nguy cơ bị cua Hoàng đế ăn thịt, việc đánh bắt cua Hoàng đế ở khu vực phía Tây Northern Cape đều không bị hạn chế.
Hải sản tươi được vận chuyển lên máy bay. Nguồn ảnh: Hội đồng Hải sản Na Uy
Cua Hoàng đế được đánh bắt quanh năm, đặc biệt vào mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 1. Số lượng tàu tham gia đánh bắt theo quy định hạn ngạch thay đổi nhẹ giữa các năm, nhưng đã đạt gần 100 chiếc trong những năm gần đây.
Trong đó, đội tàu đánh bắt bao gồm các tàu nhỏ gần bờ, quãng đường di chuyển từ khu vực đánh bắt đến các bến bãi cũng rất ngắn. Ngư dân sẽ thả mồi là các loại cá như cá trích, cá tuyết trong bẫy. Sau khi thả bẫy, cứ sau vài ngày, ngư dân sẽ quay lại kiểm tra và họ có thể thu hoạch 50 con cua Hoàng đế cỡ lớn trong một bẫy.
Sau đó, chiếc bẫy được đưa lên thuyền, ngư dân sẽ phân loại sản phẩm đánh bắt. Những con cua không đạt yêu cầu về kích cỡ, giới tính đều được thả lại biển. Cua được bảo quản sống trong bể chứa cho đến khi thuyền cập bờ.
Do hạn ngạch đánh bắt hàng năm khác nhau nên sản lượng cua được khai thác theo từng năm cũng khác nhau nhưng trung bình ngư dân sẽ khai thác khoảng 1.500 tấn cua đực và 50 tấn cua cái mỗi năm.
Theo quy định nghiêm ngặt của Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy (Mattilsynet), mỗi một nhà khai thác phải cam kết số lượng khai thác hàng năm không quá hạn ngạch và chỉ đánh bắt, đưa vào sử dụng những con cua Hoàng đế trưởng thành thường có cân nặng từ 2 – 5kg.
Đặc biệt, khách du lịch không được phép tham gia trực tiếp vào việc đánh bắt cua Hoàng đế nhưng một hạn ngạch nhất định đã được phân bổ cho ngành đánh bắt du lịch ở Finnmark. Do đó, khách du lịch có thể đánh bắt cua Hoàng đế nếu tham gia tour của công ty du lịch được cấp phép đánh bắt theo hạn ngạch.
Theo chia sẻ của đại diện Công ty Arctic Seafood Norway AS, một doanh nghiệp cung cấp cua Hoàng đế ở Na Uy, khi cua Hoàng đế được vận chuyển đến nhà máy trên đất liền, chúng sẽ ngay lập tức được kiểm tra tình trạng, cân nặng và gắn thẻ với một số ID duy nhất.
Chỉ những con cua ngon nhất mới được phép giao hàng dưới dạng cua sống. Mã QR trên sản phẩm sẽ cung cấp thông tin riêng về con cua như trọng lượng, địa điểm đánh bắt, thời gian đánh bắt và thông tin về ngư dân đánh bắt con cua ấy.
Trước khi vận chuyển tới địa điểm tiếp theo, cua Hoàng đế sẽ được nuôi trong bể vài ngày để thích nghi môi trường mới. Sau đó, cua sống sẽ được gửi bằng máy bay từ miền Bắc Na Uy đến khách hàng hoặc đến cơ sở bể chứa của doanh nghiệp ở sân bay Oslo để lưu trữ tạm thời và vận chuyển tiếp. Mô hình này giúp nhà cung cấp có thể vận chuyển cua sống quanh năm đến khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn thực phẩm, Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy (Mattilsynet) luôn tiến hành kiểm tra, sàng lọc nồng độ kim loại nặng trong thịt cua trước khi xuất khẩu.
Bà Renate Larsen, Giám đốc điều hành thuộc Hội đồng Hải sản Na Uy nhấn mạnh rằng: “Mô hình sản xuất thủy sản của Na Uy thường được coi là thực tiễn tốt nhất và chúng tôi nổi tiếng thế giới về quản lý bền vững và khai thác thủy sản có trách nhiệm. Bằng cách chọn hải sản từ Na Uy, người tiêu dùng có thể yên tâm rằng họ đang ăn một số loại hải sản bền vững nhất và chất lượng cao nhất”.
Được biết, năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 116 tấn cua Hoàng đế Na Uy dưới dạng tươi sống.
Nguồn: Hội đồng Thủy sản Na Uy