Ngày 1/3/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 315 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 tại 20 tỉnh, thành phố. Người nuôi tôm ĐBSCL đón nhận và hồ hởi tham gia bảo hiểm.
Ngày 3/7/2012, tại trụ sở UBND xã Vĩnh Hậu (Hòa Bình, Bạc Liêu), Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu chi trả bồi thường bảo hiểm tôm nuôi cho ông Nguyễn Thành Tấn ở ấp Toàn Thắng, trên 17 triệu đồng. Ông Tấn có 7.000m2 nuôi tôm công nghiệp, thả giống gần 30 ngày thì bị thiệt hại. Đây là lần chi trả bảo hiểm tôm nuôi đầu tiên ở ĐBSCL.
Ngày 11/7/2012, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng tổ chức lễ chi trả bồi thường bảo hiểm tôm nuôi 1,7 tỷ đồng. Sóc Trăng cũng là tỉnh đầu tiên ở ĐBSCL thí điểm bảo hiểm nông nghiệp trên tôm nuôi và cũng là địa phương bị thiệt hại do có các loại bệnh trên tôm chiếm tỷ lệ cao.
Kết thúc năm 2012, Công ty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết, việc thí điểm bảo hiểm tôm nuôi nước lợ bị lỗ nặng. Công ty bán bảo hiểm hơn 6.000 hồ sơ, tổng doanh thu 70 tỷ đồng. Sau đó, hơn 5.000 hồ sơ đề nghị bồi thường vì bị thiệt hại và Công ty đã chi trả cho 4.218 hồ sơ, số tiền trên 205 tỷ đồng, gấp gần 3 lần doanh thu. Hiện còn gần 500 hồ sơ đang thẩm định, dự kiến số tiền tiếp tục chi trả bồi thường trên 10 tỷ đồng. Cũng vì thế, dự kiến năm 2013, Công ty mở rộng địa bàn bán bảo hiểm tôm nuôi, nhưng sau gần 2 tháng thả nuôi vẫn chưa thể bán bảo hiểm do chưa có kế hoạch cụ thể siết chặt công tác quản lý.
Cùng theo đó, lại phát hiện dấu hiệu gian lận để trục lợi tiền bồi thường bảo hiểm. Phản ánh của ông Nguyễn Hoàng Kha, một hộ nuôi tôm tại xã Hòa Đông (TX Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), các đại lý khai tăng giá tôm giống, giá thức ăn, mật độ nuôi thả gấp mấy lần. Trường hợp tôm chết, người nuôi tôm được trả tiền bảo hiểm với tỷ lệ của những con số khai khống, nên có lời và chia nhau với đại lý.
Trong khi một số hộ có tôm bị thiệt hại lại không được bồi thường do những quy định rối rắm. Ở xã Ngọc Tố (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), 17 hộ có chứng nhận bảo hiểm tôm bị chết, trong đó 6 hộ báo cáo kịp thời để lấy mẫu bệnh phẩm. Qua phân tích, chỉ có 3 hộ được thông báo kết quả xét nghiệm, định bệnh trên tôm, nhưng 1 hộ cho kết quả âm tính, tức là tôm không bệnh. Hộ ông Lê Văn Hoàng có tôm nuôi “không bệnh” ngậm ngùi, 8.000m2 ao nuôi đã chết sạch tôm.
Những rối rắm ấy đang cản trở chính sách bảo hiểm tôm nuôi đi vào cuộc sống. Suy cho cùng, chính là do sản xuất nhỏ, manh mún. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sách bảo hiểm tôm nuôi cần hướng tới thúc đẩy ngành nuôi tôm phát triển lên làm ăn lớn, hiện đại hơn là chính sách xoá đói giảm nghèo. Người nuôi tôm, để được tham gia bảo hiểm, trước hết phải nuôi đúng quy hoạch, kế hoạch và có diện tích lớn hoặc tham gia các hình thức hợp tác để có diện tích đủ lớn. Đó cũng là các điều kiện bảo đảm nuôi tôm tuân thủ quy trình kỹ thuật tiên tiến, bảo vệ môi trường, xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam chất lượng cao.