(TSVN) – Ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm giúp mang lại hiệu quả lớn, tăng giá trị và năng suất sản phẩm, góp phần làm giảm chi phí, giảm tác động đến môi trường và hạn chế rủi ro trong sản xuất. Dưới đây là một số công nghệ nổi bật được giới thiệu tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ tư năm 2023 (VietShrimp 2023) diễn ra tại TP Cần Thơ từ ngày 12 – 14/4.
Trong nuôi tôm, con giống đóng vai trò hết sức quan trọng, bởi chất lượng con giống là một trong những điều kiện để nuôi tôm thành công. Tập đoàn Việt Úc là đơn vị xuyên suốt hơn 20 năm vẫn liên tục tìm tòi, nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ vượt trội để góp phần giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng tầm tôm Việt, mỗi năm Tập đoàn cung cấp trên 50 tỷ con tôm giống. Tại VietShrimp 2023, Tập đoàn đã giới thiệu tôm giống công nghệ cao Vus Leader 21 và Vus Leader 1/000 với ưu điểm như: lớn nhanh hơn, đề kháng mạnh hơn, thích nghi với độ mặn cực thấp…; giúp bà con nuôi tôm yên tâm hơn, tỷ lệ thành công và lợi nhuận cao hơn.
Là bộ giải pháp mà Công ty CP Công nghệ Otanics giới thiệu tại VietShrimp 2023, TOMOTA là giải pháp toàn diện cho nuôi trồng bền vững được kết hợp bởi những yếu tố không thể tách rời đó là tủ TOMOTA Alpha, ứng dụng TOMOTA, thiết bị đo kích cỡ tôm TOMOTA S3. Giải pháp toàn diện TOMOTA giúp người nông dân nuôi tôm an toàn, hiệu quả và tăng trưởng lợi nhuận bền vững hơn dựa trên các ứng dụng công nghệ nhanh, bền, chính xác, bao gồm:
Tủ TOMOTA Alpha đóng vai trò như một trung tâm điều khiển – kết nối các thiết bị tại ao nuôi, đồng thời ghi nhận, xử lý và phản hồi thông tin liên tục về hệ thống.
Ứng dụng TOMOTA giúp người nuôi tương tác với hệ thống, ghi nhận công việc, và truy cập dữ liệu, dễ dàng nắm bắt được tình trạng của từng ao nuôi mọi lúc, mọi nơi.
Thiết bị đo kích cỡ tôm TOMOTA S3 hỗ trợ giám sát tốc độ tăng trưởng của tôm một cách nhanh chóng, chính xác và tiện dụng nhất. Với một kết quả đo chính xác do TOMOTA S3 mang tới, người nuôi sẽ ngay lập tức nắm bắt được tốc độ tăng trưởng của tôm cùng biểu đồ thống kê sản lượng ước tính của từng ao. Từ đó, người nuôi có thể ngay lập tức biết được doanh thu và lợi nhuận của vụ nuôi thông qua bảng giá tôm được cập nhật hàng ngày trên ứng dụng TOMOTA. Công nghệ giúp tiết kiệm thời gian và công sức, số lượng đếm lên đến hơn 4.000 con trong 10 giây. Độ chính xác trên 95%, lưu trữ toàn bộ dữ liệu để kiểm tra khi cần.
Tại VietShrimp 2023, Tập đoàn Thăng Long đã trưng bày Mô hình TLSS – Thang Long Smart System – dành cho TTCT và cá điêu hồng. Mô hình với ưu điểm sản lượng cao, rủi ro thấp, lợi nhuận cao đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của các khách hàng tham dự. Mô hình nuôi cá điêu hồng TLSS được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn ương giống: Giai đoạn này cá được nuôi trong ao đất, mật độ ương nuôi 60 – 70 con/m2, cá giống cỡ 3.000 con/kg, sau khoảng 70 – 75 ngày cá đạt kích cỡ 30 – 40 con/kg, tỷ lệ sống đạt trên 80%, hệ số chuyển đổi thức ăn FCR ở mức 0,9 – 0,95. Giai đoạn nuôi thương phẩm: Giai đoạn này được nuôi trong lồng bè trên sông, trong hệ thống bè nuôi có bố trí dàn cung cấp ôxy, nhằm cung cấp ôxy trong các trường hợp đặc biệt. Trong suốt quá trình nuôi từ giai đoạn ương giống đến thu hoạch cá được cho ăn thức ăn chuyên dụng Sea Master và các loại thức ăn bổ sung như Bogaca, Tiger Men Plus. Chính nhờ sự kết hợp này mà cá nuôi luôn khỏe mạnh, tốc độ tăng trưởng nhanh và có hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) rất thấp.
Với mô hình CPF-Combine House của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, ao nuôi có hình chóp nón hoặc hình tháp. Ao nuôi có vật liệu trụ thép hoặc bê tông ở giữa. Sau đó căng cáp hoặc dây cước, rồi lợp mái bằng lưới và bạt trắng mỏng nên dễ xây dựng, chi phí thấp. Chi phí xây dựng mô hình CPF-Combine House khoảng 70 – 120 triệu đồng/1.000 m2. CPF-Combine House ổn định nhiệt độ (có thể nâng nhiệt khi nhiệt độ thấp, giảm nhiệt khi nhiệt độ cao và ngăn nước mưa vào trong ao). Ao nuôi không phụ thuộc vào thời tiết, nuôi được quanh năm. Nhờ ổn định môi trường nuôi nên giảm chi phí sản xuất, tôm lớn nhanh hơn từ 15 – 25 ngày nuôi. Hạn chế dịch bệnh tối đa trên tôm, đặc biệt là bệnh đốm trắng, phân trắng, EHP… Tôm nuôi thu hoạch đạt cỡ lớn, khoảng 15 con/kg.
GroFarm là giải pháp kỹ thuật nuôi TTCT siêu thâm canh với mật độ cao của Grobest Việt Nam, đang được nhân rộng triển khai tại các tỉnh ven biển; với mục tiêu quản lý môi trường nuôi tôm tốt nhất, chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất. Với công nghệ nuôi tôm GroFarm hiện nay giúp các trại nuôi xoay vòng chu kỳ nuôi rất nhanh có thể nuôi được 3 – 4 đợt/năm. Năng suất có thể đạt trên 30 tấn/ha/năm. Ngoài nâng cao năng suất, chất lượng tôm, ưu điểm của mô hình còn tiết kiệm điện bơm nước, chất thải trong ao nuôi tôm được thu gom dễ dàng và đẩy ra ngoài thông qua hệ thống xiphong thu gom xử lý tập trung, giúp giảm lao động, tiết kiệm nước, giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, Grobest cũng mang đến những dòng thức ăn chức năng chất lượng cao, đáp ứng các nhu cầu của tôm theo từng giai đoạn, giúp tôm về đích thành công. Đặc biệt, dịch vụ Mobile Lab là một trong những điểm nhấn quan trọng của mô hình Gro-Farm thông qua hoạt động kiểm tra, chẩn đoán sức khỏe tôm và chất lượng môi trường nước tại chỗ cho người dân, nhằm tư vấn kịp thời các vấn đề đã, đang và có thể phát sinh.
Làm sao để giảm sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm nhưng vẫn tăng được đề kháng, giảm bệnh, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho tôm và các vấn đề được quan tâm nhất hiện nay. Hiểu rõ được nhu cầu cấp thiết của khách hàng, tại VietShrimp 2023, Tập đoàn Olmix đã giới thiệu sản phẩm Algimun – chất điều hòa miễn dịch cho tôm, góp phần tăng đề kháng, chống chọi với mầm bệnh và thách thức từ môi trường chăn nuôi. Với thành phần chính là MSP (Marine sulfated polysaccharides) gồm nhiều loại đường đơn cấu thành, đặc biệt là các đường hiếm như rhamnose, uronic acid cùng gốc sunphat có đặc tính sinh học cao chỉ có ở môi trường biển, nên hoạt tính sinh học mạnh hơn polysaccharides từ nấm men, Algimun giúp duy trì tính nguyên vẹn của đường ruột, ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh và độc tố đồng thời điều hòa các hoạt động của các tế bào miễn dịch tiêu diệt mầm bệnh.
Với tình hình môi trường ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, vấn đề an toàn chất lượng nước đang là thực trạng đáng báo động. Hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống xử lý nước thường chỉ quan tâm đến chi phí đầu tư và hiệu quả mà nhất thời ít chú trọng đến tính bền vững. Do đó, sau một thời gian dài hoạt động, hiệu quả xử lý của hệ thống và chất lượng nước sẽ giảm dần. Thấu hiểu những khó khăn của khách hàng, Công ty TNHH Giải pháp môi trường Tam Trinh (NTESCO) đã nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ, phần mềm chuyên dụng như: N-Smart Program, Q-control, Ntesco App… sẽ giúp người nuôi thực hiện dễ dàng nhiệm vụ quản lý, giám sát hoạt động hệ thống và chất lượng nước đầu ra với các ưu điểm: Đo đạc và giám sát các chỉ tiêu nước (độ đục, pH, độ mặn, ôxy hòa tan…); tự động hiệu chỉnh các chỉ tiêu nước theo thời gian thực; cảnh báo tức thời các sự cố phát sinh cho người phụ trách; ghi lại, lưu trữ lịch sử hoạt động của hệ thống; theo dõi online các hoạt động bảo trì, sửa chữa. Đến nay, NTESCO đã tích hợp hệ thống giám sát này vào hầu hết các công trình đã thực hiện dưới các hình thức tiêu chuẩn và tùy chọn nâng cao.
Kho lạnh được sử dụng phổ biến trong lĩnh vực chế biến và bảo quản thực phẩm tươi sống. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra vai trò, lợi ích của panel cách nhiệt trong bảo quản lạnh. Thay vì sử dụng tường gạch thông thường, nhiều đơn vị đã chuyển đổi sang sử dụng panel Procy cách nhiệt chống cháy phục vụ lợi ích lâu dài mà vật liệu này mang lại. Tấm PIR panel PROCY® của Công ty TNHH cách âm cách nhiệt Phương Nam là dòng sản phẩm panel cao cấp công nghệ châu Âu H+ TechnikTM độc quyền tại Việt Nam, được xem là một bước đột phá trong lĩnh vực vật liệu xây dựng đạt chất lượng quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của công trình xanh. Dòng sản phẩm độc quyền đem đến các đặc tính đảm bảo tấm panel cách nhiệt, chống cháy hoàn hảo, đạt các tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới.
Thu hoạch là bước cuối cùng quá trình nuôi tôm, đây là khâu quan trọng mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Hiện nay, nhiều trang trại tôm đã, đang áp dụng công nghệ thu hoạch tôm bằng máy bơm. Máy hỗ trợ thu hoạch tôm trực tiếp từ ao nuôi tôm mà không làm tôm bị ngộp nước hay trầy xước thân tôm. Giúp tiết kiệm thời gian thu hoạch nhưng vẫn đạt năng suất cao. Công suất thu hoạch 8 – 10 tấn/giờ.
Nguyễn Hằng
(Tổng hợp)