Dưới ánh đèn sáng đục, thấy sợi dây cước rung lên bần bật, hai tay lão ngư thoăn thoắt cuộn dây cố níu con mực lớn đang vùng vẫy. Nếu đoán được thời điểm mực đi ăn, các ngư dân sẽ “trúng mánh”, với nhiều mực lớn dính câu.
Câu mực đêm là nghề truyền thống của ngư dân xã Bình Thạnh và Bình Đông (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) xuất hiện từ cách đây hơn 30 năm. Hiện có khoảng 400 gia đình ở 2 xã này hành nghề câu mực đêm ở vịnh Dung Quất. Mỗi độ hoàng hôn buông xuống, hàng trăm ghe máy nhỏ, thúng máy xuất phát từ cửa Sa Cần ra cách bờ khoảng 5 hải lý để câu mực.
Dụng cụ hành nghề chỉ là cuộn dây cước dài khoảng hơn 10 m với đoạn chì dài 6 cm (xung quanh buộc dây cao su màu) gắn với 8 – 10 móc sắt inox được mài nhọn dùng làm lưỡi câu. Ông Nguyễn Nắng Hồng, người có thâm niên hơn 30 năm câu mực đêm cho biết, cao điểm của mùa câu mực đêm bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 6. “Phải biết nhìn con trăng, nước thủy triều, kỹ thuật nương, kéo dây thì nhiều con mực lớn mới dính câu. Khi đó cũng phải khéo léo cuộn dây mới có thể đưa được mực lên ghe, chứ không thì vuột trở lại biển thành công toi”, ông Hồng chia sẻ.
Nhiều năm trước, người dân vùng cửa biển Sa Cần dùng đèn măng sông, đèn nháy, còn những năm gần đây họ dùng bình ăc-qui và những thanh tre có gắn bóng đèn xung quanh thúng để “gọi” mực đến. Bởi đặc thù của loài mực là khi cảm nhận được vùng ánh sáng sẽ bơi lại tìm thức ăn.
Theo các ngư dân, nghề câu mực đêm cực nhất là phải đứng, ngồi thay đổi thế liên tục cho đỡ mỏi và phải thức thâu đêm suốt sáng. Nếu đi ghe nhỏ thì có khoảng 4 ngư dân còn thúng máy thì chỉ một người lênh đênh trên biển đồng hành với bóng đêm câu mực.
Bị dính câu, chú mực này vùng vẫy và phình túi mực đen tìm cách thoát thân. Theo kinh nghiệm của các ngư dân, mực thường đi ăn vào lúc chạng vạng tối, theo con trăng lặn (trăng đang sáng lặn vào mây) hay lúc rạng đông. Nếu kiên nhẫn, đoán biết được điều này thì thường hay “trúng mánh” nhiều mực lớn dính câu.
Niềm vui của ông Hồng sau khi câu được con mực lớn ở vịnh Dung Quất. Nhờ tích lũy kinh nghiệm lâu năm nên đêm nào ông cũng câu được hơn 70 con mực lớn nhỏ về bến bán được hơn 500.000 đồng.
5h sáng, kết thúc buổi câu mực, hàng trăm thúng máy lần lượt về bến. Ông Dương Ninh (xã Bình Thạnh) cho biết, nghề câu mực đêm dù cực nhọc khi phải thức trắng nhưng bù lại về đến bến là các tư thương đổ xô đến mua với giá cao.
Việc mua bán mực tươi rộn ràng ngay ở bãi biển Sa Cần. Mỗi kg mực loại một giá 170.000 đồng, loại nhỏ nhất khoảng 100.000 đồng. Theo ông Nguyễn Duy Khắc, Bí thư xã Bình Thạnh, nhiều năm qua, nghề câu mực đêm truyền thống đã góp phần cải thiện cuộc sống gia đình, thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương phát triển. “Từ tháng 3, nghề câu mực đêm của ngư dân địa phương liên tục trúng lớn, trung bình sau mỗi đêm ngư dân thu nhập 300.000 – 700.000 đồng”, ông Khắc nói.