Bài học từ phán quyết của DOC

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 14/3/2013, DOC thông báo về phán quyết lần thứ 8 trong vụ kiện bán phá giá cá tra và basa Việt Nam vào thị trường Mỹ, áp dụng mức thuế cao với fillet cá tra đông lạnh trong giai đoạn 1/8/2010 – 31/7/2011.

Phán quyết cuối cùng

Nhìn lại vụ kiện bán phá giá cá tra. Ngày 28/6/2002, Hiệp hội Chủ trại nuôi cá nheo Mỹ (CFA) chính thức gửi đơn kiện fillet cá tra đông lạnh Việt Nam bán phá giá. Bị đơn là VASEP với 53 doanh nghiệp. Theo CFA, fillet cá tra đông lạnh Việt Nam bán vào Mỹ giá rẻ hơn từ 0,08 đến dưới 1 USD/pound (0,454 kg). Cũng vì vậy mà ảnh hưởng tới tiêu thụ cá nheo, từ 446 triệu USD năm 2000 xuống còn 385 triệu USD năm 2001. Còn fillet cá tra đông lạnh Việt Nam, bắt đầu xuất sang Mỹ năm 1996, đến năm 2000 đã 3.000 tấn và năm 2001 xấp xỉ 8.000 tấn.

Từ năm 2000, ở Mỹ đã có những cuộc vận động chống lại cá tra Việt Nam như: bắt bẻ tên gọi catfish, gửi thư lên Quốc hội, Tổng thống Mỹ. Năm 2002, DOC công bố Việt Nam có nền kinh tế phi thị trường và để xem xét có bán phá giá hay không, phải lấy số liệu đầu vào của một nước thứ ba để so sánh. Ngày 27/1/2003, DOC ra phán quyết các doanh nghiệp Việt Nam bán phá giá và phải chịu mức thuế 37,94 – 63,88%. Sau nhiều thảo luận, ngày 1/3/2003, DOC ra phán quyết lần đầu, mức thuế 31,45 – 63,88%. Tiếp tục tranh cãi, ngày 24/7/2003, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng, áp dụng mức thuế 36,84 – 63,88%, tương tự mức thuế DOC đưa ra ban đầu.

Trong gần 10 năm qua, DOC có 7 lần đưa ra phán quyết sơ bộ, mức thuế được nâng lên đặt xuống nhưng nói chung là thấp, nhiều doanh nghiệp hưởng thuế suất bằng không hoặc tương đương bằng không. Ngày 14/3/2013, DOC đưa ra phán quyết cuối cùng với mức thuế rất cao. Có ba bị đơn lần đầu xuất hiện trong phán quyết này, chịu mức thuế đến 1,37 – 3,87 USD/kg. Còn nói chung các doanh nghiệp bị đơn đều chịu mức thuế gấp hàng chục lần so với phán quyết sơ bộ. Công ty Anvifish mức thuế cũ 0,03 USD/kg, nay lên 1,34 USD/kg; Công ty Vĩnh Hoàn ba lần trước mức thuế bằng 0, nay tăng lên 0,19 USD/kg. Biết rằng, giá xuất vào Mỹ chỉ 2,2 – 3 USD/kg thì mức thuế mới tương tự “khép cánh cửa thị trường Mỹ” với các doanh nghiệp bị đơn.

Mức thuế cao đột ngột do trước đây, khi xem xét sơ bộ, Mỹ lấy Bangladesh làm quốc gia so sánh, nay lấy Indonesia. VASEP đã có thông cáo báo chí “Phản đối mức thuế trong quyết định cuối cùng”. Thông cáo nêu: “DOC đã đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá trong quyết định cuối cùng tăng cao một cách vô lý”. VASEP yêu cầu DOC “sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế để tính giá trị đầu vào đối với cá tra Việt Nam như trước đây”.

Cần tổ chức lại sản xuất để nụ cười đọng mãi với người nuôi cá tra           Ảnh: Duy Khương

 Bài học

Nói bán phá giá fillet cá tra đông lạnh xuất khẩu, với nhiều người Việt Nam nghe rất vô lý. Vì ngay cả vốn tín dụng ưu đãi, dù Chính phủ có chủ trương nhưng cũng chưa đến được đúng địa chỉ. Ngày 8/8/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Công văn 1149/TTg-KTN về các chính sách cấp bách hỗ trợ chăn nuôi và thủy sản. Đến nay, theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn, chỉ một số ít hộ được vay vốn Ngân hàng NN&PTNT với lãi năm 11%. Nhiều món vay mới không phải cho đầu tư sản xuất mà là đáo hạn và gia hạn nợ cũ. Thời hạn cho vay sản xuất và kinh doanh cá tra, Bộ NN&PTNT cũng còn phải kiến nghị, nâng lên theo chu kỳ 8 – 12 tháng, thay vì 4 tháng trước nay.

Những trở ngại trong vay vốn ấy cho thấy rõ thêm thực trạng tự phát, từ nuôi đến chế biến xuất khẩu và các dịch vụ đi kèm. Sau cuộc khủng hoảng thừa cá tra nguyên liệu giữa năm 2008, đến nay giữa nuôi và chế biến chưa mấy khi gặp nhau.

Báo cáo ngày 25/1/2013 của Tổng cục Thủy sản: “Năm 2012, tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu diễn biến phức tạp. Ba tháng đầu năm việc tiêu thụ cá tra tương đối thuận lợi, giá cá tra ở mức cao, dao động 26.500 – 28.500 đồng/kg, đa số các hộ nuôi đều có lãi. Từ cuối tháng 3/2012 đến nay, giá cá tra liên tục giảm (có vài thời điểm thấp nhất 18.000 đồng/kg), giá cá hiện nay 19.200 – 23.500 đồng/kg, khi giá thức ăn thủy sản đã tăng 700 – 1.200 đồng/kg, người nuôi vẫn tiếp tục lỗ 2.000 – 5.000 đồng/kg”.

Trong các phán quyết của DOC, có chi tiết đáng chú ý, nhiều mức thuế khác nhau với từng doanh nghiệp, có mức rất cao nhưng cũng có mức rất thấp. Ít nhất cũng thể hiện, hồ sơ xem xét rất cụ thể, chi tiết. Thực tế hai năm qua, VASEP đưa ra giá sàn xuất khẩu vào Mỹ với fillet cá tra đông lạnh là 3 USD/kg, khi họp đều “thống nhất” nhưng rồi có doanh nghiệp vẫn hạ giá xuống 2,2 – 2,5 USD/kg. Tổng cục Thủy sản nhận xét: “Chào bán phá giá lẫn nhau (để giành hợp đồng), cạnh tranh không lành mạnh làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối”.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, kinh tế thị trường là tổ chức sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, sản xuất phải gặp tiêu dùng. Còn cá tra ở nước ta, vẫn tình trạng người nuôi mặc sức nuôi, doanh nghiệp chế biến mặc sức xây nhà máy, thiếu quy hoạch và kế hoạch nên luẩn quẩn vòng xoáy thiếu-thừa. Có doanh nghiệp còn mua cá ép người nuôi để kiếm lợi ở thị trường ngoài nước, gây ra xung đột quyền lợi trên thị trường thống nhất toàn cầu.

 

>> Qua vụ kiện càng thấy rõ, doanh nghiệp vào hiệp hội không phải để bán hàng mà còn phải để hợp tác xây dựng thương hiệu, bảo vệ thị trường. Kinh tế thị trường phát triển, trước hết phát triển khoa học quy hoạch, kế hoạch, tổ chức sản xuất gắn với tiêu dùng, để tiết kiệm chi phí, thu được lợi nhuận cao và ổn định.

 

Sáu Nghệ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!