Các nhà khoa học đã chỉ được đích danh nguyên nhân gây Hội chứng chết sớm/hoại tử gan tụy ở tôm nuôi (EMS/AHPNS). Tuy nhiên, tìm ra biện pháp đối phó căn bệnh này mới là đích cuối cùng.
Nguyên nhân đã xác định
Sau nhiều tháng điều tra, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Donal Lightner (Đại học Arizona) đã xác định được nguyên nhân gây Hội chứng chết sớm EMS, một dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi ở khu vực Đông Nam Á; về kỹ thuật, dịch bệnh còn được gọi là Hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS).
Tác nhân gây bệnh được xác định là dòng duy nhất của một loại vi khuẩn khá phổ biến là Vibrio parahaemolyticus. Vi khuẩn này bị nhiễm bởi một loại virus được biết đến như một thể thực khuẩn (phage), gây ra loại độc tố mạnh. Hiện, các nghiên cứu tiếp tục phát triển các xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện nhanh chóng tác nhân gây bệnh EMS/AHPNS; từ đó cải thiện quản lý tại trại tôm giống, ao nuôi và giúp đưa đến giải pháp lâu dài cho bệnh này.
Ảnh: Phan Thanh Cường
Cần giải pháp hữu hiệu
Tại Sóc Trăng, ngay đầu vụ, Chi cục NTTS tỉnh đã hướng dẫn người nuôi tôm áp dụng mô hình “3 thấp – 3 cao”. “Ba thấp” là: thả mật độ thấp (phù hợp điều kiện đầu tư và trình độ quản lý), độ mặn thấp, nhiệt độ thấp. “Ba cao” là: đảm bảo độ kiềm và độ pH cao (vì khi pH cao có thể phân giải và hạn chế tính độc của Cypermethrin) và ôxy cao (>5ppm) để cung cấp đủ ôxy cho tôm, giúp quá trình trao đổi chất, chuyển hóa chất khí theo hướng có lợi. Bên cạnh đó, định kỳ kiểm tra chất lượng nước, mực nước tối thiểu trong ao phải đảm bảo từ 0,8 đến 1,2m. Đặc biệt là khống chế sự phát triển vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi không quá 400 khuẩn lạc/ml. Đồng thời diệt khuẩn hoặc thay nước; sau đó bổ sung dòng vi khuẩn có lợi cho ao nuôi. Tăng cường sức khỏe, sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung vitamin, khoáng chất và men vi sinh có lợi, nhất là men tiêu hóa.
Ông Võ Quốc Hào, cán bộ Chi cục NTTS Sóc Trăng cho biết: Từ đầu vụ nuôi đến nay, Chi cục vẫn tiến hành kiểm tra vi khuẩn Vibrio miễn phí và có báo cáo thường niên đến các xã, hộ dân. Hiện nay, khi nguyên nhân gây Hội chứng EMS/AHPNS được công bố thì FAO cũng đã tài trợ tập huấn về cách phát hiện bệnh, thu mẫu tôm bệnh, cố định mẫu bệnh cho cán bộ thủy sản và người dân, hướng dẫn an toàn sinh học nuôi tôm nhằm hạn chế và ngăn ngừa EMS/AHPNS.
Để phòng chống Hội chứng EMS có hiệu quả, giảm thiệt hại cho người nuôi, mới đây, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã khuyến cáo các cơ sở nuôi tôm nên mua con giống từ các trại giống uy tín, đảm bảo chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y; chỉ sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, đồng thời đảm bảo điều kiện môi trường nuôi tốt, tăng sức đề kháng cho tôm; tôm mới thả phải được giám sát chặt chẽ. Khi tôm có dấu hiệu khác thường phải báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời xử lý; đảm bảo thời gian bỏ trống ao định kỳ hoặc chuyển sang nuôi đối tượng khác để cắt đứt vòng đời tác nhân gây bệnh.
>> Theo khuyến cáo của Chi cục NTTS tỉnh Ninh Thuận, trước tình hình bệnh EMS còn diễn biến phức tạp, người nuôi phải có đầy đủ trang thiết bị, thả nuôi mật độ thưa và phải có ao lắng, ao xử lý nước, thường xuyên khống chế tảo trong ao. |