Cục Thú y và Cục Thủy sản ký quy chế phối hợp

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Chiều ngày 22/9, tại Cục Thú y diễn ra Lễ ký Quy chế “Phối hợp trong công tác thú y thủy sản và quản lý nuôi trồng thủy sản giữa Cục Thú y và Cục Thủy sản”. Đây là bước tiến quan trọng giúp hai đơn vị nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt là thúc đẩy nuôi trồng thủy sản hiệu quả.

Theo Cục Thủy sản, trong 8 tháng đầu năm, cả nước sản xuất được 108 tỷ con giống tôm, gần 20 tỷ cá tra bột và 1,4 triệu cá tra giống. Số lượng cơ sở sản xuất tôm giống là 1.236 cơ sở, ương dưỡng tôm giống là 893 cơ sở; sản xuất giống cá tra là 2.820 cơ sở. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 715 nghìn ha (tăng 0,9% cùng kỳ ngoái), sản lượng đạt 657,7 nghìn tấn, (tăng 3,9% cùng kỳ ngoái, đạt 63,9% kế hoạch năm); Diện tích nuôi cá tra đạt 3,86 nghìn ha (tăng 0,1% cùng kỳ năm ngoái), sản lượng đạt 1.079 nghìn tấn (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 66,6% kế hoạch năm). Có 55 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố có mạng lưới quan trắc môi trường. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết. Ảnh: Thùy Khánh.

Số liệu từ Cục Thú y, trong 9 tháng đầu năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại khoảng 22.550 ha, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái (tổng diện tích bị thiệt hại là 20.089 ha); ngoài ra có khoảng 1.513 bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại. Hàng năm, Cục Thú y và Cơ quan thú y địa phương thực hiện các chương trình giám sát dịch bệnh với khoảng 50.000 mẫu để phân tích các chỉ tiêu dịch bệnh thủy sản. Đáng chú ý, cả nước đã xây dựng thành công 33 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 30 cơ sở sản xuất tôm và 2 cơ sở sản xuất cá cảnh xuất khẩu.

Các chuyên gia dự báo các tháng cuối năm nay (tháng 9-12) và đầu năm tới sẽ có các hiện tượng thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp như mưa nhiều tại các tỉnh thuộc Bắc Bộ đến Thừa Thiên Huế, mưa ít hơn tại Nam Bộ; nhiệt độ có xu hướng cao hơn, hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn biến khó lường. Đây có thể sẽ là những yếu tố bất lợi cho nuôi trồng thuỷ sản, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y và ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản trao đổi quy chế phối hợp. Ảnh: Thùy Khánh.

Quy chế “Phối hợp trong công tác thú y thủy sản và quản lý nuôi trồng thủy sản” với 3 chương và 8 điều, quy định nguyên tắc, trách nhiệm, nội dung và phương thức phối hợp giữa Cục Thú y và Cục Thủy sản để tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, tài liệu và số liệu về nuôi trồng thủy sản; quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh thủy sản; phòng, chống kháng kháng sinh, quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản; quản lý thuốc thú y thủy sản; quản lý thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. Đại diện lãnh đạo hai Cục đều thể hiện sự quyết tâm sẽ hiện thực hóa quy chế thành hành động, trở thành cơ quan trợ giúp đắc lực cho Bộ NN&PTNT, góp phần giúp các đơn vị nâng cao hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện. 

Tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, Việt Nam có diện tích nuôi tôm và thủy sản lớn, do đó công tác thú y thủy sản đóng vai trò quan trọng góp phần đảm bảo mục tiêu xuất khẩu của ngành. Thứ trưởng nhấn mạnh, nếu mỗi năm ngành thú y và thủy sản nâng cao được tỷ lệ nuôi sống 5%, sản lượng sẽ tăng lên nhiều lần. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu giống mà không nghiên cứu thú y phòng bệnh, không nghiên cứu quy trình, không nghiên cứu quan trắc thì hiệu quả nuôi trồng thủy sản sẽ không cao. Cục Thú y đã kiểm soát được các dịch bệnh nguy hiểm trong chăn nuôi như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tai xanh, dịch tả lợn Châu Phi…nên trong thời gian tới cần quan tâm đặc biệt và tham gia nhiều hơn nữa trong kiểm soát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt các đơn vị cũng cần đưa các nội dung trong quy chế đi vào thực tế đời sống sản xuất. 

Thùy Khánh

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!