Vĩnh Long nỗ lực gỡ khó cho cá tra

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ở Vĩnh Long tiếp tục gặp nhiều khó khăn: thiếu vốn, chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ bất ổn… Tỉnh đang nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

Hàng loạt khó khăn

Năm 2012, cá tra là đối tượng thủy sản nuôi quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, với diện tích 310 ha, thấp hơn dự kiến ban đầu (422 ha), tổng sản lượng hơn 112.000 tấn (chiếm 90% tổng sản lượng thủy sản). Tuy nhiên, năm 2012 cũng là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của ngành sản xuất và tiêu thụ cá tra.

Ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết: Năm 2012, việc tiêu thụ cá tra gặp nhiều khó khăn về giá bán. Giá cá nguyên liệu chỉ ở mức 21.500 – 22.000 đồng/kg, khiến người nuôi bị lỗ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Trong khi đó, vốn vay ngân hàng quá cao, một số hộ không có vốn đã “treo ao” do không có khả năng tái đầu tư, số còn lại được vay với định mức không đáp ứng được nhu cầu vốn cho sản xuất. Các doanh nghiệp chế biến cũng chịu lãi suất 18 – 24%/năm trong thời gian dài nên cũng “ngắc ngoải”.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Vĩnh Long, Hồ Văn Vàng cũng khẳng định: Năm 2012, nghề nuôi cá tra của tỉnh liên tiếp gặp khó khi chi phí đầu vào tăng trong khi giá bán không ổn định, liên tục thấp hơn giá thành sản xuất, khiến người nuôi không có lãi hoặc thua lỗ. Bên cạnh đó, việc liên kết các thành phần trong chuỗi sản xuất còn lỏng lẻo, lợi ích các bên không hài hòa, số lượng nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh ít (chỉ có 3), ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của ngư dân, theo đó nghề nuôi phát triển thiếu bền vững. Đồng thời, sản xuất và kiểm tra chất lượng cá giống cũng gặp khó khăn do việc kiểm tra, kiểm dịch bằng đường thủy thiếu cả kinh phí lẫn lực lượng cán bộ, nên đầu vào cá giống vẫn bị “thả nổi”.

 

Giải quyết tận gốc

Năm 2013, Vĩnh Long dự kiến duy trì diện tích nuôi 450 ha, sản lượng 130.000 tấn. Theo đó, Sở NN&PTNT cùng Chi cục Thủy sản đã đề xuất hàng loạt giải pháp cho người nuôi.

Năm 2013, Vĩnh Long dự kiến duy trì diện tích nuôi cá tra đạt 450 ha – Ảnh: Ngọc Trinh

Theo ông Liêu Cẩm Hiền, năm 2013, để góp phần nâng cao chất lượng cá tra phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long khuyến khích người nuôi tiếp tục áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” trong quá trình nuôi cá tra thâm canh xuất khẩu; đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến cho người dân; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản như: Đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra tập trung tại huyện Mang Thít và Vũng Liêm với diện tích 300 ha để nâng cao năng suất, chất lượng phục vụ xuất khẩu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… 

Cùng đó, hàng loạt hoạt động quan trắc chất lượng nước, cảnh báo môi trường, dịch bệnh, giám sát vùng nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cũng được chú ý. Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn kiến nghị, Bộ NN&PTNT đầu tư thêm một trại giống thủy sản cấp I quy mô 10 ha trở lên, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tỉnh, cung cấp giống đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; xây dựng hệ thống thông tin kịp thời, nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến thương mại, đưa ra dự báo, cho người nuôi điều chỉnh sản xuất phù hợp thị trường thế giới…

>> “Để đảm bảo quyền lợi người nuôi, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa mua gom, chế biến và xuất khẩu, để người nuôi có lãi tối thiểu 10%; quy định giá sàn xuất khẩu, có biện pháp chế tài các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam…” – Bà Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long cho biết.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!