Với bờ biển dài 75km, ngư trường rộng gần 9.000km2, trữ lượng hải sản khoảng 60.000 tấn/năm, trong đó có nhiều loại hải sản giá trị kinh tế cao có điều kiện để phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, đánh bắt nuôi trồng thủy sản được xem là thế mạnh của tỉnh Quảng Trị.
Tận dụng tiềm năng
Năm 2012, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt toàn tỉnh 2.158 ha, diện tích nuôi mặn, lợ 1.039 ha, đạt 99% so với kế hoạch. Sản lượng nuôi thủy sản nước ngọt 3.430 tấn, sản lượng nuôi thủy sản mặn, lợ 5.700 tấn. Một số vùng nuôi chủ yếu tập trung tại tỉnh như: xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Lâm huyện Vĩnh Linh, huyện Gio Linh, TP Đông Hà với nuôi tôm sú, TTCT ở Thiệu Phong, Hải Lăng.
Năm nay, tỉnh dự kiến nuôi tôm sú 400 ha, TTCT 600 ha, cá nước ngọt 2.200 ha, cá lồng trên sông và hồ chứa (trắm cỏ, chình…) 200 lồng. Sản lượng nuôi trồng ước đạt 6.000 tấn tôm (trong đó tôm sú khoảng 1.000 tấn, TTCT khoảng 5.000 tấn), cua nuôi 40 tấn, cá nước ngọt 3.500 tấn. Ngoài ra, sản xuất giống với 40 triệu P15 tôm sú (nhu cầu thả nuôi trong toàn tỉnh khoảng 120 triệu P15), TTCT là 1,5 tỷ P15 (chủ yếu nhập ngoại tỉnh), các loại giống cá nước ngọt 150 triệu con, cua giống 50 vạn con.
Ông Lê Bình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chủ tịch HNC Quảng Trị cho biết: Nuôi thủy sản đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nhiều hộ đã làm giàu nhờ nuôi tôm cá và các giống đặc sản khác. Năm 2012, diện tích nuôi TTCT 600 ha, tôm sú khoảng 400 ha, sản lượng thu hoạch tôm nuôi 5.670 tấn. Trong đó, tôm sú, nuôi bán thâm canh và thâm canh năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha/vụ; có hộ đạt năng suất 9 tấn/ha, cỡ tôm thu hoạch đạt 25 con/kg, lợi nhuận 500 triệu đồng/ha. Xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) có 159 ha nuôi tôm, sản lượng thu hoạch 759 tấn, năng suất bình quân toàn xã 4,7 tấn/ha, là xã nuôi tôm đạt năng suất cao nhất tỉnh. Nuôi TTCT ở vùng bãi ngang ven biển năng suất bình quân 15 tấn/ha/vụ; có hộ đạt trên 25 tấn/ha, lợi nhuận 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha, nuôi trái vụ có hộ thu lãi gần 2 tỷ đồng/ha. Vùng ven sông, ao có chất đáy bùn, năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha.
Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản, Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Huân cũng khẳng định: Việc nhà máy tôm giống Uni-President Quảng Trị được xây dựng tại tỉnh tạo thuận lợi cho người nuôi, khắc phục được tình trạng tôm lột xác mà chưa kịp đem thả nuôi do nhà máy sản xuất tôm ở xa, giúp vận chuyển nhanh, giảm chi phí…
Phòng ươm tảo giống của Trại sản xuất tôm giống Uni-President – Ảnh: Nam Anh
Tập trung thủy sản mũi nhọn
Tỉnh chủ trương phát triển thủy sản theo hướng bền vững; trong đó, đa dạng các loại hình nuôi như nuôi thâm canh, bán thâm canh, quảng canh, quảng canh cải tiến; nuôi ao hồ, mặt nước, lồng, bè, bể; nuôi kết hợp ruộng lúa, ruộng sen, chăn nuôi thủy cầm… Quy hoạch vùng nuôi chi tiết, đảm bảo nước cấp và xử lý nước thải để môi trường sản xuất an toàn, bền vững. Ưu tiên rà soát và điều chỉnh theo hướng phát triển hệ thống giống nuôi thủy sản. Các hoạt động: Nâng cao chất lượng hàng hóa và mẫu mã cho các sản phẩm chế biến thủy sản tiêu dùng nội địa để tạo giá trị gia tăng, đẩy mạnh chế biến nội địa nhằm giải quyết việc làm cho lao động trên bờ và tạo đầu ra cho sản phẩm từ khai thác, trong đó chủ yếu là sản phẩm từ khai thác xa bờ, được tiến hành song song.
Ngành thủy sản cũng được tập trung thành ngành sản xuất hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; trong đó, nuôi nước ngọt với việc tận dụng tiềm năng mặt nước sẵn có, phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống phục vụ nhu cầu tại chỗ, phát triển mạnh nuôi thủy sản nước lợ và mặn trên cơ sở hiệu quả và bền vững. Tập trung phát triển nuôi thâm canh trên vùng đất ven sông, vùng cát, nuôi quảng canh cải tiến và nuôi sinh thái trong vùng thấp triều. Các đối tượng nuôi chính là tôm sú, TTCT, cua xanh…
Ông Lê Bình cũng nhấn mạnh việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất giống nuôi nước mặn, lợ; trong đó chú trọng giống TTCT, tôm sú, huy động nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi tập trung. Những hồ chứa có điều kiện nuôi thủy sản, giao quyền sử dụng mặt nước cho các tổ chức, cá nhân nuôi với các hình thức thả giống bổ sung và tổ chức khai thác hoặc nuôi lồng, bè. Bổ sung nguồn lợi thủy sản cho các hồ chứa, mặt nước lớn nhằm hạn chế hiện tượng suy giảm nguồn lợi do khai thác quá mức, phát triển nuôi thủy sản ở miền núi.
Để phát huy thế mạnh, tỉnh dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình cảng và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cồn Cỏ (giai đoạn 2). Tiếp tục đầu tư xây dựng khu neo đậu trú tránh bão Cửa Việt, Cửa Tùng, thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản, đáp ứng nhu cầu nuôi của người dân như: Xây dựng một số hạ tầng nuôi nước lợ, nuôi tôm bán thâm canh vùng ven sông Hiền Lương, cửa sông Cửa Việt, xây dựng một số hạ tầng nuôi nước ngọt.
>> Khó khăn hiện nay trong khai thác, nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Trị là cơ sở vật chất đầu tư còn hạn chế, một số vùng chưa có hệ thống xử lý nước thải, cấp nước mặn, người nuôi vẫn theo kinh nghiệm, trang thiết bị phục vụ khai thác xa bờ còn hạn chế… |