Ngày 18/6, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp tìm giải pháp, chính sách hỗ trợ tổ hợp tác, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển.
Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, cả nước đã thành lập 3.500 tổ ngư dân với khoảng 21.500 tàu cá và 136.000 lao động (tổng số 128.000 tàu cá các loại với hơn 4 triệu lao động). Số lượng tàu cá khoảng 128.000 chiếc (nhóm công suất nhỏ dưới 90 CV là 105.000 tàu, từ 90 đến 150 CV khoảng 8.000 tàu, 150 CV trở lên khoảng 15.000 tàu).
Các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đem lại nhiều lợi ích – Ảnh: Sao Mai
Việc tổ chức sản xuất khai thác hải sản đem lại lợi ích cho bà con như: Hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, giảm bớt chi phí vận chuyển, hỗ trợ trong khai thác, bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo. Ngoài ra, tổ hợp tác, tổ ngư dân còn giúp giảm chi phí chuyến biển, hỗ trợ nhau trong khai thác, hậu cần nghề cá (tàu cá khi tham gia mô hình sản lượng khai thác tăng 1,2 – 1,5 lần). Các tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển đã chủ động và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi tàu cá gặp sự cố. Thông qua hoạt động của tổ ngư dân, các đơn vị chức năng đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân về vùng biển chủ quyền của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Tuy nhiên, mô hình này còn tồn tại những hạn chế, bất cập: chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, hay liên kết ký hợp đồng bán sản phẩm trực tiếp cho các nhà máy chế biến thủy hải sản, tránh bị tư thương ép giá. Chủ tàu thiếu vốn mua sắm máy thông tin liên lạc, các thiết bị bảo quản hải sản sau thu hoạch…
Tổng cục Thủy sản đã có tờ trình đề xuất hỗ trợ ngư dân, tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với định mức hỗ trợ về tổ thành lập mới, sinh hoạt phí cho tổ hợp tác, trách nhiệm của tổ trưởng tổ hợp tác, bảo hiểm thân tàu và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS), hỗ trợ khôi phục sản xuất đối với tàu cá bị tai nạn trên biển, hỗ trợ lắp đặt mới hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác, với thời gian thực hiện chia làm hai giai đoạn (2013 – 2016 và 2016 – 2020).