(TSVN) – Nhờ ánh sáng, hãng Ode, một trong những cơ sở nuôi cá tuyết lớn nhất Na Uy đã trì hoãn quá trình thành thục sinh dục của vật nuôi, từ đó có thể cải thiện phúc lợi, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ode bắt tay với viện nghiên cứu Møreforsking để thực hiện dự án LuxCod về sử dụng các chế độ ánh sánh trong các nuôi cá tuyết với mục đích trì hoãn thành thục sinh dục ở vật nuôi này để cải thiện phúc lợi, chất lượng thịt và hiệu quả kinh tế.
Cá tuyết thành thục sinh dục sớm gây bất lợi kinh tế cho các trại nuôi bởi nó kéo theo tỷ lệ chết cao và kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Nguyên nhân do cá tuyết sử dụng dinh dưỡng và năng lượng dự trữ để phát triển trứng và tinh hoàn thay vì phát triển cơ, do đó tác động tiêu cực đến năng suất và sản lượng thu hoạch. Quá trình này cũng gây căng thẳng cho cá, làm giảm phúc lợi và chất lượng phi lê, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ cá trưởng thành sinh sản trong lồng nuôi và ảnh hưởng đến quần thể cá tuyết hoang dã.
Chế độ quản lý ánh sáng được thiết lập từ thời điểm thả cá tuyết vào trong lồng và kéo dài đến khi thu hoạch đã giúp trì hoãn đáng kể quá trình thành thục sinh dục ở cá tuyết. Ảnh: Ode
Ola Kvalheim, Giám đốc điều hành kiêm sáng lập Ode cho biết, trứng cá tuyết có thể trôi dạt vào khu vực sinh sản gần đó và ảnh hưởng đến cá tuyết hoang dã thông qua con đường di truyền gen. Tổng cục Thủy sản Na Uy giám sát rất chặt mức độ thành thục sinh dục ở tất cả các trại nuôi cá tuyết. Nếu phát hiện mức độ quá cao, trang trại đó buộc phải thu hoạch sớm, dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể.
Dự án LuxCod được thực hiện ở vùng nuôi Svartekari thuộc trang trại Ode phía tây Na Uy. Trong dự án này, các chuyên gia tiến hành đánh giá quản lý ánh sáng liên tục trong lồng nuôi cá tuyết để hiểu rõ tác động của ánh sáng đối với thành thục sinh dục của vật nuôi. Ngoài ra, dự án cũng xác định những phương pháp trì hoãn quá trình thành thục sinh dục sớm trong suốt thời gian nuôi. Các chuyên gia nghiên cứu đã lấy mẫu cá có trọng lượng trung bình 5 kg sau 1 tháng nuôi trước khi phát triển chế độ quản lý ánh sáng toàn diện.
Theo đó, chế độ ánh sáng mới được thiết lập từ thời điểm thả cá tuyết vào trong lồng nuôi và kéo dài đến khi thu hoạch với đủ ánh sáng từ đèn led xanh. Kết quả cho thấy, quản lý ánh sáng làm trì hoãn đáng kể quá trình thành thục sinh dục ở cá tuyết và ngăn chặn quá trình này xảy ra trong suốt thời gian nuôi, tránh ảnh hưởng đến di truyền hay hệ sinh thái. Kvalheim khẳng định, cơ chế quản lý ánh sáng giúp sản xuất cá tuyết tối ưu, nâng cao phúc lợi, chất lượng thịt, và giảm rủi ro liên quan đến tài chính, sinh thái.
Nghề nuôi cá tuyết khá phát triển ở Na Uy bởi cá tuyết là loại thực phẩm được ưa chuộng và phổ biến khắp toàn cầu không thua kém cá hồi dù quy mô nuôi khiêm tốn hơn. Trong nhiều năm qua, ngành cá tuyết Na Uy cũng chật vật tìm cách vượt qua thách thức cố hữu liên quan đến tỷ lệ ấu trùng chết, thức ăn và kỹ thuật sản xuất con giống. Theo Kvalheim, nghề nuôi cá tuyết còn nhiều tiềm năng phát triển bởi nhu cầu tiêu thụ cá tuyết tươi trên thị trường thế giới không ngừng tăng.
Khó khăn vẫn còn, song Na Uy cũng dẫn đầu thế giới về nuôi cá tuyết nhờ các chương trình nhân giống chọn lọc suốt 20 năm qua. Không dừng ở đó, nhiều trại nuôi bắt đầu thiết lập chế độ quản lý ánh sáng nghiêm ngặt để nuôi cá tuyết hiệu quả quanh năm. Tiến sĩ Velmurugu Puvanendran tại viện nghiên cứu Nofima AS cho biết dự án LuxCod về quản lý ánh sáng sẽ mở ra tương lai sáng hơn cho ngành cá tuyết nuôi tại Na Uy. Ông giải thích, cá sinh sản trong lồng làm giảm chất lượng thịt và sản lượng đáng kể. Do đó, dự án LuxCod là chìa khóa giải quyết vấn đề này.
Kvalheim và nhóm thực hiện dự án LuxCod tin rằng công nghệ quản lý ánh sáng có thể triển khai hiệu quả ở các trại cá tuyết khác trên khắp Na Uy và nâng cao hiệu quả sản xuất nói chung. Với Ode, cơ chế quản lý ánh sáng đã giúp trang trại này nâng công suất hàng năm lên 25.000 tấn cá tuyết.
Đan Linh
(Theo Worldfishfarming)