“Chạy đua” 6 tháng cuối năm

Chưa có đánh giá về bài viết

6 tháng đầu năm 2013, khó khăn chung bao trùm toàn ngành thủy sản, nhưng kết quả vẫn tăng trưởng dương, đây là tiền đề để ngành vượt khó về đích.

Khai thác tăng nhẹ

Báo cáo Sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 của Tổng cục Thủy sản cho thấy, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 2.716 nghìn tấn (khai thác thủy sản 1.311 nghìn tấn, tăng 3,5%, hoàn thành hơn 50% kế hoạch, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2012); trong đó, khai thác biển đạt 55,75%, khai thác nội địa 34,5%. Đến cuối tháng 6/2013, cả nước có 3.691 tổ đội với 22.846 tàu cá tham gia/158.723 lao động, 50 nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước được thành lập. Một số tỉnh có nhiều nghiệp đoàn như: Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bến Tre với số lượng 6 – 7 nghiệp đoàn…

Ông Đào Hồng Đức, Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản cho biết: Dù giá xăng dầu tăng nhưng thời tiết thuận lợi cho khai thác nên mức tăng trưởng nhẹ vẫn được duy trì. Tình hình khai thác cá ngừ, chất lượng sản phẩm bảo quản sau thu hoạch được chú trọng. Việc sản xuất cá ngừ câu tay, ngư dân đã được hướng dẫn cụ thể sau những hội thảo và chỉ đạo của Tổng cục tới các địa phương. Ngoài ra, công việc dự báo ngư trường cho ngư dân đã có nhiều chuyển biến, hệ thống thông tin kỹ thuật hỗ trợ ngư dân bám biển an toàn.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất. Tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp khi khai thác trên quần đảo Hoàng Sa vẫn diễn ra. Tính đến cuối tháng 5/2013, đã phát hiện 226 lượt tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam.

 

Nuôi trồng vẫn phập phù

 6 tháng đầu năm nay, sản lượng nuôi trồng đạt 1.405 nghìn tấn, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2012; tổng diện tích nuôi ước 1.067 ha (đạt 87,6% kế hoạch và bằng 100,9% so với cùng kỳ năm 2012), trong đó thủy sản nước mặn, lợ đạt 703 ha, thủy sản nước ngọt 364 ha. Hai đối tượng nuôi chủ lực là tôm và cá tra, tiến độ thả giống chậm hơn so với cùng kỳ năm 2012; tình hình tôm bị bệnh diễn biến phức tạp từ đầu vụ, cộng với tình trạng thiếu vốn, khiến người nuôi lo ngại. Trong khi đó cá tra thương phẩm ở mức dưới giá thành sản xuất, khiến nhiều hộ nuôi bị thua lỗ, treo ao.

6 tháng đầu năm 2013, cá tra vẫn không khởi sắc – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Vụ trưởng vụ Nuôi trồng Thủy sản, ông Bùi Đức Quý đánh giá: Thời gian qua, giá đầu vào tăng, người nuôi tôm và cá tra đều thiếu vốn; trong khi đó, thời tiết nắng nóng, thiếu nước ngọt, khiến dịch bệnh trên tôm tăng mạnh, với diện tích thiệt hại gần 50.000 ha. Ngoài ra, bệnh dịch trên tôm còn tiềm ẩn khó lường, giải pháp điều trị hoại tử gan tụy chưa được sâu rộng, việc kiểm soát chất lượng con giống còn lỏng lẻo, tôm “trôi nổi” vẫn lưu thông trên thị trường. Và nữa, hạ tầng cơ sở cho các khu vực nuôi trồng thủy sản chưa được đầu tư đồng bộ, thiếu quy hoạch vùng nuôi tại các địa phương, hoặc không có đủ kinh phí đầu tư, dẫn tới tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu cục bộ…

Ông Quý cũng thẳng thắn thừa nhận: Sự phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ giữa các đơn vị chưa nhịp nhàng, việc thống kê, dự báo tại các địa phương chưa kịp thời, đầy đủ. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn nên công tác chỉ đạo, điều hành trong nuôi trồng còn có những thiếu sót.

 

Tập trung về đích

Theo dự báo, 6 tháng cuối năm, khả năng phục hồi kinh tế thế giới chưa có tín hiệu rõ ràng nên những khó khăn về thị trường xuất khẩu đối với thủy sản chưa hoàn toàn bị loại bỏ. Trong khi thời tiết 6 tháng cuối năm luôn tiềm ẩn những diễn biến bất thường, cộng với sức ép nguyên liệu đầu vào như điện, xăng dầu… tăng giá nên những khó khăn với ngành thủy sản vẫn còn nhiều.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền: 6 tháng cuối năm, toàn ngành tiếp tục gấp rút hoàn thiện kế hoạch chung. Cụ thể, đối với lĩnh vực khai thác, các địa phương cần nghiên cứu xây dựng đề án thành lập các kho lạnh tại bến, cảng cá để bảo quản sản phẩm, tránh đầu tư dàn trải, ồ ạt ở các địa phương, dẫn tới không kiểm soát được chất lượng; triển khai phương án tìm cách giảm tổn thất thu hoạch trên tàu cá, tổ chức tốt phương án tổ đội trên biển để hỗ trợ ngư dân… Trong lĩnh vực nuôi trồng, các đơn vị thuộc Tổng cục đang nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu giữa nuôi trồng và khai thác thủy sản, giữa các đối tượng thủy sản, để phát huy lợi thế cạnh tranh theo hướng nâng cao chất lượng. Tăng cường liên kết các quy hoạch và thực hiện đồng bộ các giải pháp để hình thành vùng nuôi tôm, cá tra bền vững, phát huy những loài nuôi chủ lực… đẩy mạnh tiến độ nuôi tôm, tuyên truyền cho các hộ hình thức nuôi phù hợp, hạn chế dịch bệnh, xây dựng chương trình phát triển tôm giống sạch bệnh và đạt chất lượng tốt; đẩy mạnh việc áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản…

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Tổng cục trưởng Thủy sản Vũ Văn Tám: Sáu tháng cuối năm, ngành cần đẩy mạnh tốc độ các mặt. Trong khai thác, đặt mục tiêu hiệu quả, an toàn cho ngư dân bằng cách bổ sung những thông tin kỹ thuật hỗ trợ, nâng cao chất lượng bảo quản sau thu hoạch. Với lĩnh vực nuôi trồng, đẩy mạnh nuôi tôm nước lợ, giải quyết vấn đề giống, thông tin dịch bệnh kịp thời, đa dạng hóa đối tượng nuôi. Bên cạnh đó, tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu như các nước Bắc Phi…

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!