(TSVN) – Những ngày cuối năm, tình trạng nhập lậu các sản phẩm động vật trong đó có cá tầm vào nước ta diễn ra hết sức tinh vi, khiến cho công tác kiểm soát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.
Ngày 6/01/2024, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 2 xe vận chuyển cá tầm, không rõ nguồn gốc tại khu vực biên giới thuộc thôn Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương. Tổng số có 857 con cá tầm, trọng lượng 3.802 kg.
Lực lượng chức năng Lào Cai phát hiện cá tầm nhập lậu được các đối tượng bọc trong các thùng xốp. Ảnh: Trung Dũng.
Cách đó không lâu, ngày 23/12/2023, Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai trong quá trình tuần tra phía dưới bờ sông biên giới tại khu vực cách Mốc 100 (2) khoảng 150 m, phát hiện hai thuyền phao lắp động cơ điện chở 20 bao tải, bên trong là hộp xốp có túi nylon đựng cá tầm đã chết. Các đối tượng khai nhận số hàng này có khoảng 1.000 kg cá tầm đã chết, do một ông chủ người Trung Quốc thuê vận chuyển với giá 5 triệu đồng.
Ngày 5/12/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã tổ chức tiêu hủy 5,5 tấn cá tầm là vật chứng trong vụ án vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới được phát hiện, bắt giữ tại thành phố Pleiku. Trước đó, ngày 22/11/2023, Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới với khối lượng 5,5 tấn cá tầm bằng xe tải trọng lớn tại địa phận làng Bruk Ngol, phường Yên Thế, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó nhận biết cá tầm nuôi trong nước và nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: ST
Trên đây chỉ là những vụ buôn lậu cá tầm điển hình bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và xử lý kịp thời. Những vụ việc này chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Nếu như số cá tầm kia được đem ra tiêu thụ trên thị trường thì hậu quả thật khó lường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và hoạt động sản xuất cá tầm tại nước ta.
Được biết, giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được bán với giá 130.000-150.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tầm trong nước thường cao hơn, khoảng 200.000 đồng/kg, hơn nữa số lượng nuôi trong nước vẫn còn ít. Cũng bởi chênh lệch lớn về giá nên các đối tượng buôn lậu đã bất chấp luật pháp, nguy hiểm, dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu cá tầm vận chuyện sâu vào trong nước bán kiếm lời.
Theo báo cáo của Thượng tá Trần Nam Trung, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C05) trực thuộc Bộ Công an tại cuộc họp liên ngành về chống buôn lậu do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 11/01/2024 vừa qua, nhập lậu cá tầm qua biên giới vào Việt Nam diễn ra hết sức đa dạng, tinh vi. Các đối tượng thường sử dụng xe tải nhỏ, xe máy, đò, xuồng máy để vận chuyển, lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ. Khi vận chuyện vào nội địa, các đối tượng thường bố trí người cảnh giới, giám sát hoạt động của các cơ quan chức năng để thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động.
Bên cạnh đó, để đưa cá tầm nhập lậu vào tiêu thụ nội địa, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, chờ cơ hội thuận lợi dùng xe ô tô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ vào nội địa tiêu thụ. Không chỉ vậy, các đối tượng còn kết nối với chủ trang trại nuôi cá tầm ở các tỉnh biên giới để hợp thức hóa cá tầm nhập lậu. Cá tầm của nước ta hiện được nuôi ở các tỉnh phía Bắc, chủ yếu ở Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang gần khu vực biên giới với Trung Quốc, do đó các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá nhập lậu thành cá nuôi tại các trang trại, gây khó khăn cho công tác kiểm tra.
Qua nghe báo cáo từ các Bộ, ngành, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến kêu gọi sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, địa phương để tăng cường kiểm tra, phát hiện và triệt phá các đường dây buôn bán cá tầm lậu qua biên giới nhất là thời điểm cận Tết. Cũng theo Thứ trưởng, tình trạng buôn lậu hiện nay vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Khu vực biên giới rộng lớn, dân số đông cũng tạo ra áp lực không hề nhỏ cho lực lượng chức năng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thời gian tới, cần có hệ thống cửa khẩu thông minh, đường sắt thông minh để góp phần kiểm soát chặt chẽ nhập lậu.
Thùy Khánh