Quản lý giống thủy sản: Triển khai quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả

Chưa có đánh giá về bài viết

Giống thủy sản là một trong những yếu tố quyết định đến thành, bại của vụ nuôi cũng như sự bền vững của ngành. Vì vậy, quản lý giống thủy sản đang được đặt ra bức thiết, đòi hỏi các ban ngành liên quan thực hiện sao cho hiệu quả. Tại hội thảo Triển khai thực hiện Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề này.

Ông Trần Cao Mưu – Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Trả hoạt động kiểm dịch về Tổng cục Thủy sản

Đây là lý do Tổ chức Bảo vệ động vật thế giới (OIE) có 2 luật riêng cho động vật trên cạn. Tổ chức FAO có 2 Ban riêng: Ban Nông nghiệp (DOA) và Ban Thủy sản (DOF), các tổ chức trên phải tách như vậy bởi môi trường sống, điều kiện bệnh dịch, cách phòng chống bệnh dịch cho động vật trên cạn và thủy sản là hoàn toàn khác nhau. Bộ NN&PTNT phân công Tổng cục Thủy sản quản lý nuôi trồng, còn Cục Thú y thì làm xét nghiệm bệnh, kiểm dịch thủy sản, quản lý thuốc thú y cho thủy sản. Sự phân công này không phù hợp với quốc tế, gây chồng chéo, lãng phí nhân lực và không hiệu quả. Bên cạnh đó cần xây dựng và ban hành quy chuẩn quốc gia về điều kiện trại giống cấp vùng và cấp cơ sở…

 

Ông Đinh Nam Phương – Phó phòng Kiểm dịch, Cục Thú y: Đẩy mạnh công tác kiểm dịch thủy sản

Để triển khai Thông tư 26 có hiệu quả, trong thời gian tới Cục Thú y cùng các ban ngành Tổng cục Thủy sản chỉ đạo các địa phương tích cực triển khai công tác kiểm dịch giống thủy sản lưu thông trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng con giống, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi vì giống kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn kiểm dịch. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng tăng cường kiểm dịch, kiểm soát thủy sản giống nhập khẩu, đưa ra các yêu cầu về vệ sinh thú y đối với tôm giống xuất khẩu vào Việt Nam… Về lĩnh vực phòng chống dịch bệnh, Cục Thú y dự kiến trình Bộ NN&PTNT sửa đổi Thông tư số 36/2009/TT-BNNPTNT về phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản làm cơ sở cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch trong năm 2013.

 

Ông Liou Hai Hua – Giám đốc bộ phận thủy sản, Công ty Uni-President Việt Nam: Vận chuyển giống thủy sản tới người nuôi nhanh nhất

Do địa hình Việt Nam hẹp và dài, nên việc vận chuyển con giống là một vấn đề khó khăn. Làm sao để có được con giống tốt, chất lượng cao tới tay người nuôi? Uni-President Việt Nam đã có kế hoạch vận chuyển giống nhanh nhất tới vùng nuôi. Chúng tôi đã đầu tư các trại giống ở các trung tâm nuôi trồng thủy sản trọng điểm như: Ninh Thuận, Quảng Trị, Bến Tre, và sắp tới đầu tư ở miền Tây, mở rộng ra miền Bắc. Như vậy có thể rút ngắn thời gian vận chuyển, đáp ứng tại chỗ nhu cầu người nuôi, đảm bảo chất lượng con giống đến tay người nuôi. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không ngừng nghiên cứu để có được con giống chất lượng cao hơn nữa, đáp ứng được tình hình nuôi trồng khó khăn như hiện nay.

 

Ông Bùi Bá Sự – phó Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Việt – Úc: Người nuôi cần con giống chất lượng

Thông tư 26 thực sự có ý nghĩa đối với doanh nghiệp sản xuất cũng như người nuôi tôm, ngành tôm Việt Nam. Tuy nhiên, người nuôi tôm ở ĐBSCL rất thiệt thòi khi mua con giống. Một số cơ sở mua giống giá rẻ song bán lại cho người nuôi với giá cao. Người nuôi thiệt thòi ở chỗ mua giống giá cao, tuy nhiên chất lượng lại không được kiểm soát. Vì vậy, Công ty Việt – Úc kiến nghị với các nhà quản lý làm sao để người nuôi mua giống tốt, cũng như thành công của mùa vụ. Công ty Việt – Úc luôn đồng hành, sẵn sàng sẻ chia những khó khăn với người nuôi tôm và hy vọng các nhà quản lý, nhà kinh doanh, người nuôi cùng đồng lòng góp sức xây dựng nghề nuôi tôm phát triển bền vững.

 

Ông Lê Hoài Nam – Giám đốc điều hành Công ty TNHH Anh Việt: Quản lý nào cho vận chuyển đúng quy trình?

Trong quá trình vận chuyển, sức khỏe tôm ảnh hưởng đến 50% chất lượng con giống. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một cơ quan quản lý các công ty dịch vụ, công ty giống về quá trình vận chuyển giống thủy sản. Vấn đề đặt ra là cần có một quy định cụ thể cho đơn vị vận chuyển theo đúng quy định của ngành. Bên cạnh đó, cần một số quản lý đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản như: giấy chứng nhận, quy hoạch vùng nuôi… Vấn đề vốn cũng cần được quan tâm, để thành lập trại giống đủ điều kiện thì phải có điều kiện cho tài chính của doanh nghiệp đó, không thể doanh nghiệp nào cũng làm được, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ không đáp ứng được điều kiện này.

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!