Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 121/2011 hướng dẫn một số điều của Quyết định số 315 ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013 và Thông tư số 101/2012/TT-BTC ngày 20/6/2012 quy định một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.
Thông tư 96 có 3 Điều, 6 khoản, với nội dung sửa đổi Điều 4 Thông tư số 101/2012/TT-BTC, Điều 14 Thông tư số 121/2011/TT-BTC nhằm giới hạn mức sử dụng doanh thu phí bảo hiểm thủy sản.
Cụ thể, với điểm a Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 121/2011/TT-BTC cũ quy định: Đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm; chi hỗ trợ, chi thù lao cho các cấp chính quyền địa phương để triển khai bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp (bao gồm cả phí bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ và phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải nộp), tại Thông tư 96 với nội dung bổ sung điểm a, Khoản 1, Điều 14 Thông tư số 121/2011/TT-BTC cho phép đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao cho các cấp chính quyền địa phương để triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm vật nuôi (bao gồm cả phí bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ và phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải nộp); đối với bảo hiểm thủy sản, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 25% doanh thu phí bảo hiểm thủy sản (bao gồm cả phí bảo hiểm được Nhà nước hỗ trợ và phí bảo hiểm bên mua bảo hiểm phải nộp).”
Doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm cây lúa – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Thông tư cũng sửa đổi Thông tư 96 cũng sửa đổi, bổ sung Điều 4 Thông tư số 101 như sau: Đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao để triển khai thí điểm bảo hiểm cây lúa và bảo hiểm vật nuôi, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 35% doanh thu phí bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi. Cụ thể, doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi, so với khoản 1 trong Điều 4 của Thông tư 101/2012/TT-BTC (Doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp).
Tại khoản 2, Điều 2, Thông tư 96 của Bộ Tài chính sửa đổi cũng đã thay đổi. Trong Thông tư mới, quy định đối với chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao để triển khai thí điểm bảo hiểm thủy sản, doanh nghiệp bảo hiểm được phép sử dụng không quá 25% doanh thu phí bảo hiểm thủy sản. Ở Thông tư 101/2012/TT-BTC quy định (chi hoa hồng bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Doanh nghiệp bảo hiểm được phép chi hoa hồng bảo hiểm, chi hỗ trợ, chi thù lao đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp không quá 20% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp).
Đối với chi bán hàng, chi quản lý đối với hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của doanh nghiệp bảo hiểm: Doanh nghiệp bảo hiểm được chi, hạch toán phân bổ vào chi phí quản lý của hoạt động triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và được quyết toán đảm bảo không vượt quá tỷ lệ 15% doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp.
Thông tư 96 Bộ Tài chính sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 23/7/2013. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, mọi đối tượng thực hiện có thể phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính đê được xem xét, giải quyết.