(TSVN) – Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh đạt 25,1 triệu USD, tăng 10% so với tháng 4/2024 và tăng 8,9% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Anh đạt 115,04 triệu USD, tăng 2,3% so với 5 tháng đầu năm 2023.
Theo số liệu của Trung tâm thương mại thế giới (ITC), trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Anh đạt 1 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Anh giảm nhập khẩu thủy sản từ hầu hết các thị trường cung cấp lớn như: Na Uy, Trung Quốc, Băng Đảo, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Đức…, trong khi tăng nhập khẩu từ Quần đảo Faroe, Ecuador, Greenland. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 4 cho Anh trong quý I/2024, đạt 65,7 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong quý I/2024, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng lên 6,6% so với mức 6,2% của quý I/2023. Đáng chú ý, trong khi tổng nhập khẩu tôm của Anh giảm, nhập khẩu tôm từ Việt Nam vẫn tăng cho thấy tôm Việt Nam đang có lợi thế tại thị trường này. Thị phần tôm đông lạnh (mã HS 030617) của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng từ 19,5% trong năm 2023 lên 21,7% trong quý I/2024; Tôm và tôm đã chế biến hoặc bảo quản trong hộp kín (trừ hun khói) mã HS 160529 tăng từ 37,6% trong năm 2023 lên 37,9% trong quý I/2024. Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cá da trơn chủ yếu cho Anh với thị phần chiếm gần như 100%.
Việt Nam vẫn là thị trường cung cấp cá da trơn chủ yếu cho Anh. Ảnh: CTV
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Anh trong 4 tháng đầu năm 2024 đạt 14,07 nghìn tấn, trị giá 89,9 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 0,7% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Anh tăng chậm chủ yếu do xuất khẩu cá các loại chưa phục hồi, mặc dù xuất khẩu tôm đông lạnh tăng trưởng khả quan. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tôm đông lạnh là mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất sang Anh, chiếm 44,2% về lượng và 66,1% về trị giá, đạt 6,2 nghìn tấn, trị giá 59,3 triệu USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 10,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh giảm 3,9% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, đạt 5,8 nghìn tấn, trị giá 19,7 triệu USD. Xuất khẩu nhiều chủng loại cá khác như cá tuyết đông lạnh, cá ngừ đông lạnh, cá chẽm đông lạnh… cũng giảm.
Nhờ UKVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len) chính thức có hiệu lực tháng 5/2021, thủy sản Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn tại thị trường Anh so với sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Ấn Độ, trong khi thủy sản được hưởng lợi từ yêu cầu thủ tục nhập khẩu ít phức tạp hơn so với nhiều nước khác.
Hầu hết các dòng sản phẩm thực phẩm và đồ uống hiện đang được hưởng lợi từ việc giảm dần và cuối cùng, loại bỏ hoàn toàn thuế suất vào năm 2031 (tuân theo các hạn ngạch thuế quan liên quan).
Chỉ tính riêng năm 2023, giá trị xuất khẩu cá và hải sản có vỏ của Việt Nam sang Anh đạt gần 300 triệu USD, đưa thủy sản trở thành nhóm sản phẩm đứng thứ năm trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực từ Việt Nam sang Anh.
Mặc dù hàng nhập khẩu của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1% trong tổng số 700 tỷ USD hàng nhập khẩu hàng năm của Anh, nhưng sức mua cao và cộng đồng người Việt ở Anh ngày càng tăng là nền tảng cho sự tăng trưởng được bảo đảm trong tương lai. Hiện nay, Anh là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam ở châu Âu.
Thêm vào đó, với việc Anh tham gia CPTPP, khả năng tiếp cận của nông sản Việt Nam cũng sẽ được cải thiện. Những năm gần đây, ngành nông nghiệp Việt Nam, trong đó có thủy sản đang chuyển đổi theo hướng giảm phát thải, áp dụng các quy trình hữu cơ và khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Những nỗ lực bảo vệ môi trường này sẽ tạo được thiện cảm với người tiêu dùng Anh, những người ưu tiên hàng có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường và đảm bảo tiêu chuẩn đạo đức.
Tuy nhiên, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức đối với xuất khẩu hải sản, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU nói chung, Anh nói riêng sẽ đình trệ vì thủ tục xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác còn bất cập vì các yếu tố nguồn lực, nhân lực và cơ sở hạ tầng không đáp ứng. Những ngành hàng như cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Riêng xuất khẩu cá tra có lạc quan khi tồn kho cá tra tại các thị trường EU đã giảm đáng kể và không còn là vấn đề lo ngại. Giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng trở lại ở các thị trường. Ngoài sản phẩm fillet đông lạnh, xu hướng nhập khẩu cá tra chế biến sâu, có giá trị gia tăng và các sản phẩm phụ (bong bóng cá, chả cá tra) tiếp tục tăng tại các nước EU.
Ngọc Diệp