Nhờ tận dụng tốt diện tích mặt nước dưới sông, anh Lê Thanh Hải (sinh năm 1991, ngụ ấp Trung Phú 3, xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) đã thành công khi thả nuôi ếch Đài Loan trong mùng lưới. Từ 2 mùng ếch ban đầu, đến nay tăng lên 14 mùng, giúp anh Hải kiếm thêm thu nhập khoảng 90 triệu đồng/mùa nuôi.
Anh Hải với mô hình nuôi ếch trong mùng
Trước khi đến với nghề nuôi ếch, anh Hải vốn là thanh niên cần cù, chịu khó mưu sinh với nhiều ngành nghề khác nhau từ làm thuê, mướn đến cho thuê dàn âm thanh… Để có thêm thu nhập lo cho mẹ và em, anh Hải đã thử mua giống ếch Đài Loan về nuôi trong mùng lưới. Do điều kiện nhà cửa chật hẹp, không có đất trống nên anh Hải phải thả nuôi ếch dưới bến sông trước nhà. Sau một vài mùa, ếch Đài Loan đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình anh Hải. “Tôi biết nuôi ếch cũng nhờ học hỏi một lão nông tốt bụng ở huyện Châu Thành. Con giống cũng lấy từ đó với giá 500 – 700 đồng/con. Được tham gia một vài lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi ếch ở địa phương, tôi dần tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình nuôi. Ban đầu, tôi chỉ nuôi 2 mùng ếch với 3.000 con giống, chi phí đầu tư khoảng 9 triệu đồng. Sau 2 tháng nuôi, lứa ếch đầu tiên xuất bán được 16-17 triệu đồng, trừ chi phí, tôi lời khoảng 7 triệu đồng. Thế là, tôi quyết định mở rộng thêm mùng nuôi. Qua 6 năm, 14 mùng ếch là số lượng hiện có của gia đình” – anh Hải cho biết.
Chia sẻ về thiết kế mùng nuôi ếch, anh Hải cho biết, mùng nuôi được thiết kế đơn giản bằng các loại cây bạch đàn (tre) được đóng xuống sông thành hình chữ nhật. Lưới cước phải mua về tự may (chọn loại lưới tốt để “tuổi thọ” sử dụng lâu), cao 1,5-2m, ngang 3m, dài 5m. Mùng lưới may xong được câu móc chắc chắn vào các trụ cây, miệng mùng hướng lên. Bên trong mùng, anh Hải đóng thêm nhiều vỉ lưới nhỏ chắc chắn, đặt là là trên mặt nước – đó là “nhà trú ngụ” lý tưởng cho ếch. Khoảng cách từ các vỉ lưới đến đáy mùng khá sâu nhằm đảm bảo nguồn nước tốt nhất cho ếch. Vì như vậy, thức ăn thừa sẽ trôi qua khe giữa các vỉ lưới và lắng xuống dưới đáy nên nguồn nước không bị dơ. Để nuôi được 14 mùng ếch, anh Hải “mượn” thêm diện tích mặt nước trước nhà một số bà con lân cận. Theo anh Hải, vì không có điều kiện nên mới nuôi dưới sông, chứ ếch nuôi trong vèo trên mặt đất sẽ phát triển tốt hơn vì có thể kiểm soát được nhiệt độ và chất lượng nguồn nước. Còn nuôi dưới sông, phải theo mùa mới đảm bảo “có ăn”. Nghĩa là, ếch Đài Loan có thể chịu được nóng nhưng không chịu lạnh. Nên mùa thả nuôi chỉ bắt đầu khoảng tháng 3 đến tháng 8.
“Trước khi thả nuôi ếch giống, phải vệ sinh mùng cho sạch, gom cặn dưới đáy bỏ, khử vôi… Chịu khó để ý từng công đoạn thì việc nuôi ếch rất dễ dàng. Mỗi ngày, tôi chỉ cho ếch ăn 2-3 lần và chỉ cho ăn vừa đủ, chứ không no quá. Quá trình cho ăn là thời điểm tốt nhất để tôi quan sát ếch trong các mùng. Con nào có biểu hiện lạ như: nằm ngữa, quay vòng, ít ăn… là xử lý bệnh ngay để không lây lan sang các con khác. Nhờ vậy, lượng ếch không bị hao hụt. Trung bình 1 mùng, tôi thả nuôi 2.500 con ếch giống. Đến khi thu hoạch, mỗi mùng bán được 350 – 400kg ếch. Giá thị trường khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Mỗi mùa ếch, gia đình tôi thu về lợi nhuận khoảng 80 – 90 triệu đồng. Ếch thương phẩm có con đạt trọng lượng đến 500gr. Cũng nhờ nuôi ếch mà cuộc sống gia đình tôi không phải lo cái ăn, cái mặc như trước” – anh Hải chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Nguyễn Văn Nhẩn cho biết: “Nuôi ếch trong mùng là mô hình rất hiệu quả. Hiện nay, trên địa bàn xã Vĩnh Phú có khoảng 15 hộ dân đang thực hiện mô hình này, trong đó nhiều nhất là hộ của anh Lê Thanh Hải (14 mùng). Nuôi ếch theo cách này bà con chỉ cần chịu khó và tận dụng tốt diện tích mặt nước của bến sông trước nhà là có thể nuôi thành công. Để giúp bà con thêm hiểu biết và kinh nghiệm, địa phương phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện đã mở nhiều đợt tập huấn kỹ thuật nuôi ếch. Hiện, chúng tôi hỗ trợ bà con vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền từ 10 – 30 triệu đồng/mô hình nuôi ếch”.
Bài, ảnh: Phương Lan
Theo Báo An Giang