(TSVN) – Việc nhân giống thành công cá cóc giúp người dân gia tăng thu nhập, góp phần giảm thiểu tình trạng đánh bắt quá mức loài này trong tự nhiên.
Cá cóc (thuộc họ cá chép Cyprinidae), phân bố ở Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia và sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam. Cá thích nghi với điều kiện nước chảy và có tập tính di cư sinh sản. Ở ĐBSCL, cá cóc thường được khai thác quanh năm bằng câu, lưới, chài, đáy và đóng chà ven sông. Vì vậy, loài cá cóc ngày nay trở nên cạn kiệt, khan hiếm.
Cá cóc là đối tượng được nhiều người nuôi quan tâm tìm hiểu. Ảnh: Nguyễn Xuân
An Giang là tỉnh đầu nguồn ĐBSCL, trong đó nghề nuôi trồng thủy sản chiếm vai trò quan trọng nhờ vào lợi thế sông Tiền, sông Hậu và mùa nước lũ hằng năm. Trước đây, tại An Giang, cá cóc chưa được người nuôi quan tâm nhiều, đa số cá giống được thả nuôi ghép với các loài cá khác để tận dụng thức ăn thừa trong ao, bè. Cá chậm lớn hơn, tốn nhiều thời gian và công chăm sóc nên người dân chưa ưa chuộng. Các hình thức nuôi ghép chủ yếu là ghép với cá điêu hồng, cá ba sa, cá he, cá hú,…
Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi cá nước ngọt phát triển, nên nhu cầu về cá giống ngày càng đa dạng. Cùng đó, thị trường tiêu thụ cá đặc sản dưới dạng sản phẩm cá tươi sống đang dần phát triển, đặc biệt là thị trường TP Hồ Chí Minh và Campuchia. Vì vậy, người nuôi chuyển dần sang cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, như cá hô, cá sát sọc, cá bông lau,… Trong đó, cá cóc cũng là đối tượng được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu.
Mặc dù vậy, hiện nay, nguồn cá có giống cung cấp cho người nuôi ở An Giang còn nhiều hạn chế. Nguồn cá cóc bố mẹ thuần dưỡng từ tự nhiên rất ít, chủ yếu chỉ dùng cho nghiên cứu, bảo tồn gen, chưa phát triển nuôi để cung cấp nguồn cá thương phẩm cho thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu cho người nuôi và đa dạng hóa các giống cá bản địa thả về tự nhiên, Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã thực hiện dự án “Thử nghiệm xây dựng mô hình sản xuất giống cá cóc tại An Giang”.
Theo đó, nhóm tác giả thực hiện dự án đã xây dựng thành công mô hình sản xuất giống cá cóc tại điểm sản xuất giống cá cóc (bao gồm nuôi vỗ cá bố mẹ, sinh sản, ương giống) của Trại giống Bình Thạnh cơ sở 2 (Vĩnh Trạch, Thoại Sơn) và điểm ương giống cá cóc tại Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên.
Kết quả, sau ba tháng nuôi vỗ cá bố mẹ đến giai đoạn thành thục (giai đoạn cá chưa trưởng thành đến giai đoạn sinh dục hoàn thiện, có thể cho sinh sản), tỷ lệ cá sống ở giai đoạn này đạt 88,4% và hệ số thành thục sinh dục là 17,6%.
Tỷ lệ trứng thụ tinh đạt 78%, tỷ lệ nở đạt 76%. Sau thời gian ương 60 ngày với thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao (40 – 42%) trong ao đất, cá phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 70%, với kích cỡ cá giống là 2,57 – 2,71 g/con.
Cá cóc nuôi bè sau 1 năm là cho thu hoạch, thông thường trọng lượng 1,2 – 1,5 kg là có thể xuất bán. Tuy nhiên, người dân cũng có thể thả nuôi với thời gian dài, cá cóc sẽ đạt trọng lượng 7 kg trở lên. Hiện giá bán loài cá này tương đối cao, khoảng 160.000 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi thu lãi hơn 30.000 đồng/kg.
Vì cá cóc sống ở sông, nước chảy, nên nhu cầu ôxy rất cao. Do đó, theo nhóm tác giả thực hiện dự án, để ương được cá cóc giống, ao phải có hệ thống sục khí đáy, hoạt động liên tục trong ba tuần đầu. Ngoài ra, để nuôi cá cóc đạt hiệu quả thì mật độ thả nuôi không quá dày (khoảng 100 – 200 con/bè), không sử dụng kháng sinh, nguồn nước khu vực bè nuôi phải sạch và xung quanh không có nhà máy.
Lê Loan