T2, 06/07/2020 10:09

An Giang: Xóm ghe Biển Hồ

Chưa có đánh giá về bài viết

Không có đất ở, đất sản xuất. Quanh năm lấy ghe làm nhà, lấy nước làm kế mưu sinh. Đó là những phận đời ở xóm ghe Biển Hồ nằm bên dòng sông Hậu thuộc địa phận xã Đa Phước (An Phú).

Sau thời gian dài tha phương cầu thực trên đất khách, họ trở về quê hương không một mảnh giấy tùy thân. Họ khát khao một mái nhà để an cư lạc nghiệp, con cháu ngày ngày cắp sách đến trường.

Phiêu bạt từ Biển Hồ:

Đến xóm ghe Biển Hồ, trời đã ngã sang cái nắng vàng vọt cuối ngày. Xung quanh “nhà nổi” dưới dòng sông Hậu, những đứa trẻ mình trần trùng trục đang lặn ngụp, vui đùa trong dòng nước. Thỉnh thoảng, có những em nhỏ mặt mũi tèm lem trên ghe thò đầu qua ô cửa nhỏ nhìn đăm đăm ra ngoài…

Xóm ghe nổi.

Tản cư về từ năm 1970, gia đình bà Ngô Thị Sa (70 tuổi) quyết định neo đậu ghe cặp ngã ba sông Hậu và “ngụ cư” cho đến nay. Hiện tại, cả gia đình 4 thế hệ đang sống tạm bợ trên ghe. Một không gian chật chội, vậy mà có đến gần chục nhân khẩu sống và sinh hoạt tại đây. Họ nói, sống lâu riết quen, cố nương tựa và chen chút nhau để ở. Sống ở Biển Hồ từ thuở nhỏ, bà Sa cũng quên hẳn quê quán cha mẹ mình ở đâu. Bà kể: “Ông già tôi là dân thương hồ quê ở miệt dưới chèo ghe lên Biển Hồ thuộc tỉnh Pursat (Campuchia) mua bán cá mắm. Dần dà, định cư bên ấy để làm nghề cá, rồi sanh con đẻ cái cũng ở bên ấy. Cuộc sống khó khăn, cả gia đình lênh đênh trên Biển Hồ giăng câu, thả lưới kiếm kế sinh nhai. Hết mùa cá thì cặp ghe bên bến sông để làm thuê cắt lúa mướn. Nhưng từ khi giặc giã nơi đất khách quê người năm đó, khiến mọi người ra sa vào cảnh loạn lạc, cả dòng họ tôi mới xuôi dòng Mê Kông trở về đất mẹ định cư cho đến nay”.

Đến nay, gia đình bà Ngô Thị Sa đã “cắm sào” bên dòng sông Hậu được 40 năm và cũng là ngần ấy thời gian bà nếm trải cuộc đời lênh đênh sông nước. Bà Sa nhớ lại: “Dân tản cư đều có chung cảnh khổ là không có nhà, đất để ở. Đã nghèo còn mắc cái eo, lúc mới về neo ghe lại bên dòng sông Hậu những tưởng cuộc sống đã yên ổn nào ngờ gặp điều bất trắc. Đúng vào đêm tản cư, chiếc ghe bị chìm, tất cả đồ đạc của sắp nhỏ đều trôi theo dòng sông Hậu. Nhưng may mắn nhất là giữ được mạng sống của các con. Lúc đó, cũng có hàng chục ghe từ Biển Hồ về tản cư giống như hoàn cảnh của tôi. Thấy mình đang trong cảnh thắt ngặt, bà con thương tình quyên góp mỗi người một ít cho mượn tạm mua chiếc ghe khác để ở”.

Ước vọng đổi đời:

Về “cắm sào” trên ngã ba sông đến nay đã được 40 năm, bà Ngô Thị Sa đã có đến 11 đứa con. Còn cháu nội, cháu chắt đếm sơ sơ thì cũng vài chục người. Những năm sống ở Biển Hồ, bà đã “bỏ” 4 đứa con do bị rơi xuống sông vì bất cẩn trong lúc thả lưới. Lúc mới di tản về chỉ có một chiếc ghe, dần dà về sau không có đất ở, các con bà lập gia đình ra ở riêng cũng mua ghe chắp vá thành căn nhà nhỏ lênh đênh trên sông nước giống như đời bà. Do cảnh nghèo, các con của bà đều thất học, chẳng ai biết một chữ bẻ đôi. Con gái lớn của bà Sa là chị Nguyễn Thị Chét cho 2 đứa con đi học hết lớp 5, rồi cũng cho nghỉ giữa chừng. Chỉ mới 42 tuổi đầu mà chị Chét đã có cháu nội đề huề. “Cũng muốn cho con học đến nơi đến chốn lắm chứ, nhưng khả năng lo không nổi. Quanh năm sống bằng nghề chài, lưới, xúc cá trên sông, đong gạo từng bữa còn không kham nổi huống chi lo chuyện học hành. Vợ chồng thằng con trai lớn đã sinh được thằng con trai hiện cũng ở chung dưới ghe và mưu sinh bằng nghề chài cá, làm thuê”, chị Chét tâm sự.

 

Nhiều gia đình có 3- 4 thế hệ sống chung dưới “mái nhà di động”. 

Cũng như hoàn cảnh của bà Ngô Thị Sa, chị Nguyễn Thị Tuyết (49 tuổi) cũng là dân xứ Biển Hồ tản cư về đây ở ngót nghét 40 năm. Chị Tuyết có đến 9 đứa con, hiện tại đã lập gia đình được 4 đứa. Sống trên căn “nhà nổi” mái lá rách bươm, hằng ngày chị Tuyết cố gắng bán vé số để nuôi mẹ là bà Võ Thị Kín (69 tuổi) cùng 5 đứa con và 3 đứa cháu. Chị Tuyết bùi ngùi: “Theo mẹ trôi dạt về đây, cha thì mất sớm, hai mẹ con phải nương tựa vào nhau để sống. Nay mẹ già yếu phải ráng làm để nuôi mẹ cùng các con. Bình quân mỗi ngày tui bán được khoảng 200 vé số, kiếm cũng được hơn trăm ngàn đồng…”.

Chỉ tay xuống khoang ghe, chị Tuyết nói: “Hổm rày chiếc ghe bị nong nước, mẹ tôi phải canh để tát nước ra hoài. Hiện chiếc ghe đã cũ mục, có thể chìm bất cứ lúc nào. Gia sản quý nhất chỉ là chiếc ghe, nếu mai này nó rệu rã thì biết sống ra sao? Chúng tôi mong muốn có được khu đất cất nhà để vào ở ổn định nhưng thật xa vời!”.

Đó không chỉ là ước mơ của chị Tuyết mà là của cả xóm nhà nổi thuộc xã Đa Phước!

>> Xóm ghe Biển Hồ có khoảng 200 nhân khẩu, sống bằng đủ thứ nghề: Giăng câu, thả lưới, xúc cá trên sông, đưa đò. Mấy năm gần đây, nhiều hộ gia đình còn lên các khu công nghiệp Bình Dương làm để “giảm tải” vấn đề lao động nhàn rỗi ở địa phương. Sống trong cảnh khổ trên ghe, họ có chung ước vọng lên bờ cất nhà kiên cố, có được chỗ ở ổn định hơn.

Thành Chinh

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!