An toàn dịch bệnh tôm nuôi: Đa canh hơn hẳn đơn canh

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong buổi thuyết trình hiếm hoi của Tiến sĩ Donald Lightner tại TP.HCM, ông đã nhấn mạnh như vậy. Tiến sĩ Donald Lightner và cộng sự cũng đã có công rất lớn trong việc phát hiện nguyên nhân bệnh của Hội chứng tôm chết sớm EMS.

Dịch bệnh bắt nguồn từ Trung Quốc

Tiến sĩ cho biết, dịch tôm chết sớm được phát hiện đầu tiên tại  Trung Quốc, sau đó lây truyền sang Việt Nam rồi nhiều nơi. Tiến sĩ Donald Lightner khẳng định chính việc buôn bán tôm từ Trung Quốc sang Việt Nam là đường dây lây nhiễm bệnh này.

Bệnh tôm chết sớm đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nước Đông Nam Á. Dịch bệnh đã làm thiệt hại cho nông dân toàn cầu khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Công trình khoa học của Tiến sĩ Donald Lightner và cộng sự được triển khai chủ yếu tại Việt Nam, đất nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bệnh dịch này. Sự lựa chọn ở đây còn xuất phát từ việc chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đầu tư và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay giúp đỡ nông dân. Nhiều hội thảo đã được tổ chức, các doanh nghiệp cũng đã tự đầu tư tìm nguyên nhân, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã đến các tổ chức quốc tế để tìm sự hỗ trợ. Đây là thuận lợi và một động lực không nhỏ để nhóm nghiên cứu triển khai đề tài chính tại Việt Nam.

 

Tìm “kẻ sát thủ” giấu mặt

Nhiệm vụ của nhóm nhà khoa học Mỹ là họ phải tìm được không chỉ nguyên nhân mà còn cả cơ chế lây nhiễm dịch bệnh để ngăn ngừa sự lan rộng của nó.

Các nhà khoa học Việt Nam đã có những nghiên cứu khẳng định tôm chết vì tổn thương gan tụy. Nhóm các nhà khoa học Mỹ  trong đó có Tiến sĩ Donald Lightner cũng cùng chung nhận định này. Những bức hình chụp đều cho thấy các con tôm bị chết có một điểm chung là hệ gan tụy tổn thương nghiêm trọng, thậm chí bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng “kẻ sát thủ” nào đã gây ra cái chết ấy của tôm? Cái gì đã phá hủy hệ gan tụy tôm?

Theo Donald Lightner, nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng đi tìm nguyên nhân tình trạng này, nhưng một câu trả lời rõ ràng và thuyết phục thì chưa có, thậm chí có người kết luận rằng tổn thương gan tụy do “nhiều” nguyên nhân.

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Donald Lightner không đi theo hướng kết luận “nhiều nguyên nhân” mà họ tìm các loại dần các nguyên nhân đơn lẻ xuất hiện không phổ biến và đi tìm nguyên nhân chính. Nhóm đã nghiên cứu tác nhân từ môi trường, từ thức ăn và loại bỏ hai yếu tố này. Cuối cùng họ đã xác định “nguyên nhân hội chứng tôm chết sớm là một bệnh truyền nhiễm, gây ra do vi khuẩn”.

Kết luận vô cùng quan trọng của nhóm không chỉ minh oan cho môi trường nuôi tại Việt Nam mà còn khẳng định  ngành công nghệ thức ăn là trong sạch. Nghiên cứu dựa vào việc nuôi tôm thí nghiệm trên cùng điều kiện môi trường và thức ăn nhưng chỉ những con nhiễm khuẩn mới phát bệnh.

Vậy đâu là loại vi khuẩn đã xuất hiện? Chúng thâm nhập vào tôm như thế nào? Các nhà nghiên cứu đã tìm khắp cơ thể tôm, và vi khuẩn này “được tìm thấy trong dạ dày tôm bệnh”. Vi khuẩn được tìm thấy đã được đưa về nghiên cứu ở Mỹ để xác định danh tính.

 

Nên nuôi trồng đa canh

Vi khuẩn tìm thấy trong dạ dày tôm được nuôi cấy và thử nghiệm liên tục. Tuổi đời tôm không dài nên việc nghiên cứu có nhiều thuận lợi. Các con tôm cho lây nhiễm vi khuẩn này đều không thể sống sót và chúng có những biểu hiện của bệnh dịch phổ biến.

Vi khuẩn lấy ra từ dạ dày tôm gây bệnh đã được đưa đến cơ sở nghiên cứu tại Mỹ. Với thiết bị tối tân và kho dữ liệu tốt, các nhà khoa học Mỹ đã xác định được tên tuổi của “kẻ sát thủ” là “một dòng đặc biệt của Vibrio parahaemolyticus”.

Theo Tiến sĩ Donald Lightner, việc tìm ra vi khuẩn gây bệnh không có nghĩa dịch bệnh được khống chế, nhưng nó đã giúp tìm thấy nguyên nhân để phòng ngừa và chữa trị. Ông nói: “Chúng tôi đang gắng tìm ra cơ chế vi khuẩn này đã sản sinh độc tố như thế nào”. Các nhà khoa học cũng đang thí nghiệm đánh giá xem virus này có khả năng gây bệnh với các loài khác hay không.

Vi khuẩn vốn tồn tại trong tự nhiên. Dòng đặc biệt của Vibrio parahaemolyticus cũng vậy. Để hạn chế được sự phát triển và tác hại của dòng vi khuẩn này, theo Tiến sĩ Donald Lightner, ta cần có quan niệm khác về nuôi trồng thủy sản.

Chắc chắn con người không thể tiêu diệt hết các vi khuẩn có trong tự nhiên. Vấn đề là phải dùng chính tự nhiên để khống chế chúng. Tiến sĩ Donald Lightner cho rằng việc nuôi đơn canh kéo dài đã tạo điều kiện cho virus phát triển và gây dịch bệnh. 

Nuôi tôm đơn canh sẽ làm mất yếu tố cân bằng vốn có trong tự nhiên. Thông thường,  có các loài sinh vật khác sẽ “truy quét” các loài thiên địch để tạo ra sự cần bằng. Chúng sẽ ăn các vi khuẩn có hại cho tôm và tôm cũng không ăn phải những loài có hại ấy. Trong môi trường đơn canh, tôm đã “tiêu thụ” luôn cả các loại sinh vật có hại.

Tiến sĩ Donald Lightner lấy ví dụ các nghiên cứu cho thấy, khi nuôi tôm xen canh cá rô phi thì cá rô phi giúp cải thiện môi trường ao nuôi, tạo ra sự cân bằng tự nhiên, giúp tảo có ích phát triển và tiêu diệt các vét tơ mang bệnh, nhất là giáp xác.

Tại TP.HCM, Tiến sĩ Donald Lightner cho rằng “sự an toàn về dịch bệnh trong nuôi trồng đa canh hơn hẳn so với mô hình nuôi đơn canh”.

>> Tiến sĩ Donald Lightner cho biết, việc tìm ra vi khuẩn gây bệnh không có nghĩa dịch bệnh được khống chế, nhưng nó đã giúp tìm thấy nguyên nhân để phòng ngừa và chữa trị.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!