(TSVN) – Trước các đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) vào ngày 22/10/2020 về những mức hạn ngạch khai thác hải sản vùng biển sâu giai đoạn 2021 – 2022, nhiều tổ chức môi trường NGOs đã cảnh báo phần lớn số phận của nguồn lợi hải sản vùng biển sâu phụ thuộc vào thỏa thuận chính thức giữa Anh và EU.
Các mức hạn ngạch khai thác theo đề xuất của EU hoàn toàn căn cứ theo bằng chứng khoa học đối với 3 nguồn lợi hải sản biển sâu chính – gồm những loài đang bị khai thác trong phạm vi lãnh thổ EU. Tuy nhiên, vẫn còn 6 nguồn lợi hải sản biển sâu khác cũng cần được thiết lập các mức hạn ngạch khai thác mới từ cả hai phía EU và Anh.
Do Brexit, bắt đầu từ năm nay, hơn 60% nguồn lợi hải sản thuộc vùng biển sâu đang được quản lý bằng hạn ngạch khai thác sẽ phải đạt được thỏa thuận chung về hạn ngạch giữa Anh và EU. Do đó, thực trạng nguồn lợi cá biển sâu và môi trường sống của các loài này sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự hợp tác giữa hai bên, theo Javier Lopez, người đứng dầu chiến dịch khai thác thủy sản bền vững Oceana tại châu Âu.
Chú thích ảnh: Cá hố đen – một trong 9 nguồn lợi hải sản biển sâu được đề xuất siết chặt hạn ngạch khai thác
Nhiều chuyên gia lo ngại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận chung và tự đơn phương thiết lập hạn ngạch khai thác sẽ dẫn đến tình trạng khai thác quá mức diễn ra tràn lan hơn. Điều này không chỉ phá hủy hệ sinh thái biển sâu vốn dễ tổn thương mà còn hủy hoại sinh kế của nhiều tàu khai thác chân chính. Javier Lopez cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi Anh và EU sớm đi đến thống nhất chung về các mức hạn ngạch khai thác cá biển sâu, dựa trên các tiêu chí môi trường và được quản lý dựa trên cơ sở khoa học.
Các bên hữu quan hiện đang mong chờ một mức hạn ngạch chung được thiết lập đối với cá hố đen vịnh Biscay, Iberian, Azore; cá tráp đỏ vùng biển Atlantic Iberian.
Tuy nhiên, tổ chức phi chính phủ Seas at Risk cho rằng, rất nhiều loài cá dù không nằm trong nhóm khai thác chủ lực cũng cần phải được bảo vệ. Ví dụ, theo tổ chức này thì cả EU và Anh nên ban hành lệnh cấm toàn bộ lên hoạt động khai thác cá lựu đạn mũi nhám (round-nosed grenadier) vì loài cá này đang đứng trước nguy cơ bị đe dọa. Ngoài ra, Seas at Risk cũng kêu gọi EC phát triển nhiều giải pháp tăng cường bảo vệ và củng cố dữ liệu về loài cá mập biển sâu.