T2, 06/07/2020 12:16

Anh vũ – loài cá được ví như linh hồn của dòng sông Lô đã biến mất

Chưa có đánh giá về bài viết

Người già bảo, cá anh vũ là linh hồn của các dòng sông. Chừng nào anh vũ còn thì hồn sông còn, anh vũ mất là dòng sông đang đến hồi báo tử…

Người đánh cụp cuối cùng

Ông lão ngơi tay chèo, ghìm chiếc thuyền nhỏ lại, đợi ngưng sóng cả vỗ vào mạn rồi mới căng người kéo cụp. Từng đoạn, từng đoạn dây thừng thu ngắn lại.

Cuối cùng một cái cụp trống không cũng được kéo lên. Nước từ cụp chảy ra, ròng ròng từng giọt, từng giọt nhỏ xuống sông, trong ráng chiều ánh lên như màu máu cá.

Chiếc cụp thứ hai rồi thứ ba cách xa đó cả vài cây số cũng thu được kết quả tương tự. Mặt ông lão không hề biến sắc, lòng ông lão không còn buồn phiền bởi nó đã trống không như chính cái cụp rỗng.

Đã gần hai mươi năm nay, ông Nguyễn Văn Nụ và cả vạn chài Đoàn Kết của ông đã không săn được nổi một con anh vũ – loài cá thiêng liêng được ví như linh hồn của dòng sông Lô từng có rất nhiều ở Bạch Hạc (TP Việt Trì, Phú Thọ).

Anh vũ - loài cá được ví như linh hồn của dòng sông Lô đã biến mất

Ông Nụ trên chiếc thuyền đánh cá của mình

Ngã ba Bạch Hạc nơi con sông Hồng màu đỏ, con sông Đà màu xanh, con sông Lô màu vàng chập lại với nhau chính là một mỏ cá quý lộ thiên mà nổi tiếng nhất phải kể đến anh vũ.

Anh vũ là chỉ dấu sự giàu có của các dòng sông phía Bắc. Mùa tháng ba, tháng tư âm lịch nước mát tràn về chính là mùa muôn loài cá đua nhau tung tăng lội nhưng linh hồn của sông chỉ xuất hiện từ tháng mười đến tháng giêng.

Loài cá hiền lành, nhút nhát này toàn ăn rêu đá, sống trong hang đá chỉ những lúc trời vào đông, buốt mình không chịu được mới chịu bơi ra. Đó cũng là thời điểm ông Nụ cùng dân vạn đánh loại cá tiến vua này bằng cụp.

Cụp là một cái bẫy tre có hình dáng tựa như một cái rổ lớn có miệng mở ra. Cá bơi vào chạm chốt là ngay lập tức miệng cụp sập lại. Giữa dòng sông đục ngàu ấy, ông Nụ phải lấy sào dò để biết được các miệng hang rồi đặt cụp vào sao cho đúng luồng đi của con cá hệt như người ta đặt bẫy chuột dạng bán nguyệt mà không hề có mồi vậy. Tuyệt đỉnh kỹ nghệ là ở chỗ ấy.

Thịt anh vũ trắng tinh như thịt gà, thơm ngon khó thứ nào sánh nổi nhưng hồi ấy cứ mỗi lần bắt được ông Nụ cũng chỉ mang về cho con ăn chứ không bán vì giá cả rất bèo bọt.

13-18-10_dsc01467

Chiếc cụp trống không

Những con anh vũ với dáng chép, bụng trắng, lưng xanh, môi lợn có ngày ông đánh được cả chục, con to nhất nặng đến 3,8 kg khi thả xuống khoang thuyền miệng nó còn phì nước như một vòi rồng nhỏ. Những con lăng nặng đến 25 kg cũng bị ông khuất phục dễ dàng. Bắt lên bờ mà cặp râu dài của chúng vẫn rung rung, miệng há ra liên tục kêu kẹc kẹc.

Dân vạn hồi đó quần tụ thành đội ngư nghiệp Đoàn Kết rồi tiến lên HTX Đoàn Kết do ông Sâm làm Chủ nhiệm, ông Đức làm Phó Chủ nhiệm. Chỉ đánh lưới mắt sáu trở lên (lưới bắt những con cá nặng từ 5 lạng) mà sản lượng hàng tuần của HTX lên tới cả trăm tấn.

Cuộc đặt hàng kéo dài 15 năm

Nước sông Lô xưa mùa lũ chảy như thác đổ, trôi cả nhà cửa, bay cả ray đường tàu ở ga Bạch Hạc. Từ hồi có các thủy điện bên trên dòng sông hiền lại nhưng buồn thay sản lượng cá xưa mười giờ chưa được một.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ ông Nguyễn Hữu Điền cũng là một người con của Bạch Hạc. Hồi ông còn đương chức có rất nhiều khách đến tỉnh đều hỏi thăm về cá anh vũ xem hình dáng của nó ra sao, thịt thà của nó thơm thế nào.

Do lúc ấy chưa phổ biến mạng Internet nên tả mãi thì mỏi mồm, kể lắm lại sợ người ta bảo là nói phét thế nên ông Bí thư mới về đặt hàng dân Bạch Hạc hễ bắt được con anh vũ nào thì gọi ngay cho ông, tiền nong không thành vấn đề. Cả một vạn chài hàng trăm con người sinh sống vậy mà đã 15 năm trôi qua vẫn không thể bắt nổi dù chỉ một con anh vũ nhỏ.

Cá anh vũ mất trước, cá cháy thân to như cái quạt nan cũng thuộc dòng đặc sản cũng mất theo. Vạn Đoàn Kết còn khoảng 10 người hành nghề đánh cá, phần đa là những người già cả như ông Hồng, ông Thọ, ông Túc, ông Trực, ông Nụ…

Giờ cánh trẻ chủ yếu là đánh lưới chỉ những ông già “gàn” như ông Nụ, ông Nam mới còn đánh cụp. Người ta sử dụng những mắt lưới một, mắc lưới này con cá dù nhỏ bằng ngón tay cũng không thể thoát. Đã thế dưới lưới lại còn dòng cả điện.

13-18-10_dsc_4727

Một thuyền đánh cá trên sông Lô

“Điện lưới giật kiểu nóng, điện lạnh giật kiểu buốt. Điện lạnh là nguy hiểm nhất, chỉ dí xuống thôi là cả quầng thủy sản bên dưới sông biến thành băng giá. Dính điện, cá bố mẹ tận sâu dưới đáy cũng nhao lên như ăn phải thuốc độc huống hồ cái trứng cá nhỏ như hạt kê còn chưa có vây, chưa có vẩy làm sao lội được để mà thoát? Cá gì cũng chết, khỏe như quất, như chiên cũng chịu kích điện, đờ ra trong lưới nên dân vạn mới bắt được. Máu của những con cá dính điện loãng chứ không đỏ tươi, thịt rất nhão dù sau đó có hồi lại cũng không thể sinh sản được.

Gặp cảnh ấy, ông Nụ có ngỏ lời khuyên thì họ chỉ cười: “Cuộc sống mà ông, không làm lại đói”. Bởi vậy ông về xua lũ con 8 đứa, lũ cháu, lũ chắt không nhớ nổi hết tên sang làm nghề vận tải đường sông chứ cấm ngặt không được làm nghề cá bởi người ta kích điện, bắt hết rồi đến lượt mình cũng phải kích thôi. Thế thì khác gì đồng lõa với tội ác? Năm ngoái có 2 người làng P.H ở mạn Vĩnh Phúc trong lúc dùng điện lạnh để kích cá, sơ ý để ướt chân bị giật chết cứng đơ. Thế mà có ai chịu chừa đâu? Vẫn liên miên dí điện xuống dòng sông…

40 cái cụp nhưng giờ ông Nụ chỉ đặt 4-5 cái lấy lệ cho vui, cho đỡ nhớ nghề mà thôi. Đẻ ra trên thuyền, biết bơi cùng với biết đi, 4 đời đánh cá, 60 năm trong nghề ông hiểu dòng sông bây giờ đang tổn thương hơn bao giờ hết. Hết nạn kích điện lại đến nạn xả thải. Những nhà máy ven bờ ngày ngày đổ ra sông những dòng hóa chất nồng nặc mùi hăng chết chóc.

Khu vực ngã ba Bạch Hạc giờ bị bồi lấp, dòng sông tĩnh giờ đang vật vã như trong một cơn sốt bởi mỗi ngày có khoảng 2.000 tàu thuyền ngược xuôi, mỗi chiếc trọng tải 500 – 1000 tấn. Dầu mỡ đổ loang loáng mặt sông, chân vịt khuấy đảo cả những tầng đáy khiến cá tôm trốn hết.

Chiếc thuyền nhỏ như một cái lá tre nổi nênh giữa muôn con sóng chấn động phát ra từ những chiếc tàu khổng lồ khiến tôi và ông Nụ cùng chao đảo. Tìm mãi mới có một bến đỗ bình yên. Nghiệt ngã thay đó lại ngay dưới chân cầu tiếp dầu cho các tàu vận tải.

Nghề cá suy tàn, dân vạn giờ đây bám vào cái nghề mới, rất kỳ quặc là đưa khách ra ngã ba sông để lấy cát, lấy nước lộc về cúng bái phát tài, phát lộc, mát cửa, mát nhà. Ngã ba sông chẳng có di tích gì cả. Nước vẫn là nước sông Lô. Cát vẫn là cát sông Lô. Không có gì khác biệt nhưng ngày ngày đều có lũ lượt người ra đó dâng vàng mã cho hà bá rồi rước “nước thánh” về nhà.

Mỗi chuyến chở đò như thế giá 300 – 500.000 đồng thậm chí cả triệu đồng nếu không mặc cả trước để đem về một can nước hoặc một xô cát mà ngửi kỹ vẫn váng vất mùi hóa chất, hăng hắc một cách đáng tình nghi.

>> Khác với cá chép vật đẻ ùm ùm ven bờ như trâu đằm, cá anh vũ, cá lăng, cá chiên lặng lẽ đẻ giữa dòng, sâu trong những tảng đá, hang hốc.

Dương Đình Tường

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!