Trong nhiều tháng nay giá mực khô giảm đột biến, cùng với giá dầu liên tục tăng đã trở thành mối lo cho ngư dân. Hàng trăm ghe tàu trên địa bàn tỉnh đã phải nằm bờ.
Xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) có hơn 1.200 tàu đánh bắt hải sản xa bờ, nhưng vài tháng gần đây, 30% tàu cá của ngư dân Phước Tỉnh phải nằm bờ vì mực khô rớt giá. Ông Võ Thuận, một chủ tàu ở xã Phước Tỉnh, cho biết: “Ngoài mực khô rớt giá gần một nửa thì giá dầu tăng liên tục từ đầu năm đến nay làm ngư dân lao đao khi vươn khơi bám biển. Ngư trường đánh bắt ngày càng sụt giảm sản lượng, nhiều tàu đánh bắt không đạt sản lượng, cộng với chi phí tăng thêm nên nhiều tàu đành phải nằm bờ. Hiện nay ở Phước Tỉnh khoảng 1/3 lượng tàu đang neo bờ”.
“Mỗi tàu công suất 500CV tiêu thụ từ 70 – 75 nghìn lít dầu cho mỗi chuyến biển 3 tháng, giá dầu tăng thêm 500 đồng một lít, chủ tàu phải đội thêm chi phí gần 38 triệu đồng mỗi chiếc. Với 8 chiếc tàu đánh bắt xa bờ công suất 500CV của gia đình tôi, tổng chi phí tăng thêm cho mỗi chuyến biển là 300 triệu đồng. Chi phí tăng thêm này là khá lớn trong tình hình ngư trường bị thu hẹp hiện nay” – ông Võ Minh Lo, chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) tính toán.
Tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Cát Lở lấy dầu, nước đá đi biển.
Nhiều ngư dân cho biết, giá xăng dầu tăng sẽ tác động rõ nét đến từng chuyến biển. Thu nhập vì thế cũng giảm đi, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn khiến cho khả năng trả nợ của ngư dân càng khó hơn.
Là một trong những cảng cá tấp nập ở TP. Vũng Tàu, mỗi khi trăng lên, hàng trăm tàu câu mực về cảng Bến Đá, phường 5 để bán mực, tiếp nhiên liệu, đá lạnh… Tuy nhiên, từ khi mực khô rớt giá, cảng Bến Đá đã đìu hiu, thiếu mùi mực khô quen thuộc và không khí nhộn nhịp ở các quán sá chung quanh cảng cũng không còn.
Không chỉ gặp khó khăn vì lỗ ròng sau những chuyến ra khơi, các làng chài của tỉnh đang còn phải đối mặt với thực trạng lao động bỏ nghề biển. “Trước đây, lao động nghề biển có thể thu nhập từ 5 – 6 triệu đồng mỗi tháng, còn có tiền nuôi sống vợ con. gần đây tàu tôi đi bị lỗ tổn hoặc huề vốn suốt nên vợ ở nhà phải xoay xở làm thêm, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Bản thân tui cũng phải bỏ nghề đi biển, lên bờ kiếm việc gì đó làm, dù công được trả chỉ một vài triệu đồng cũng chắc ăn hơn đi biển và phần nào phụ giúp được vợ con” – ông Nguyễn Văn Tèo, ở phường 6 (TP. Vũng Tàu) nói. Tình trạng nhiều thanh niên vùng biển không mặn mà với biển nữa mà chọn việc làm khác để sống đã tạo ra sự khó khăn cho các chủ tàu khi tìm bạn đi biển. “Mỗi một tàu ra khơi phải thuê từ 5 đến 7 nhân công, nay thuê bạn tại Vũng Tàu không có, nên phải chờ người nhà tìm bạn từ miền Trung vào mới đủ người đi biển” – anh Trịnh Minh Cường, một chủ tàu ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) cho biết.
Để giảm bớt chi phí cho nhiên liệu, nhiều chủ tàu đã thay đổi công suất của máy phù hợp với nghề, thay đổi chân vịt để giảm sức tải cho máy. Đặc biệt, hiện nay ngư dân đang áp dụng phương thức tiết kiệm nhiên liệu rất hiệu quả là luân phiên nhau tải sản phẩm sau đánh bắt vào bờ. Với phương thức này, tàu đã nằm biển nhiều ngày sẽ tải giùm sản phẩm đánh bắt cho tàu ít ngày hơn vào bờ và được bên kia hỗ trợ tiền dầu. “Cách làm này đã giảm tiền dầu một lượt, bên cạnh đó còn tăng tính đoàn kết của bà con ngư dân khi hoạt động trên biển” – ông Phạm Văn Trọng, chủ tàu ở phường 2 (TP. Vũng Tàu) cho biết.
>> 6 tháng đầu năm 2014, giá dầu tăng 5 lần đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động đánh bắt thủy sản của bà con ngư dân. Liên bộ Tài chính – Công thương vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá dầu từ 17giờ ngày 18/7. Theo bảng giá hiện hành của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), mức giảm tối thiểu đối với dầu diesel là 140 đồng/lít. Sau khi cơ quan chức năng yêu cầu, Petrolimex cũng đã công bố biểu giá mới với giá mặt hàng diesel giảm 140 đồng/lít… Đây cũng là một tín hiệu vui giảm bớt một phần khó khăn về chi phí trong mỗi chuyến biển của bà con ngư dân. |