Năm nay, mùng 4 và mùng 6 Tết được ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu chọn là ngày tốt để ra khơi. Ai nấy đều cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, được mùa cá tôm…
Các tàu cá ở Cảng cá phường 6, TP. Vũng Tàu nạp nhiên liệu chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm vào ngày mùng 9 Tết – Ảnh: Minh Tâm
Thay cho không khí trầm lắng những ngày cuối năm, mùng 6 Tết Quý Tỵ (15/2 dương lịch), cảng cá Long Hải (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) nhộn nhịp và khẩn trương với những chuyến xe chở vật dụng, nhiên liệu, nhu yếu phẩm phục vụ nghề biển hối hả ra vào cảng. Gương mặt của chủ ghe, bạn biển ai nấy đều rạng ngời, tất cả đã sẵn sàng cho chuyến biển đầu năm. Anh Lê Văn Đoàn, tài công một tàu đánh bắt xa bờ (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền), cho biết, từ ngày mùng 4 Tết, một số tàu cá công suất nhỏ đã ra khơi, những tàu lớn đánh bắt xa bờ thì ngày mùng 6 Tết mới đồng loạt “mở biển”. Một số tàu khác chờ đủ bạn thì đến mùng 9, mùng 10 mới đi. Anh Đoàn cho hay, năm 2012 là một năm khó khăn của ngư dân do thị trường xăng dầu nhiều biến động, giá cả hải sản giảm, giá nhân công tăng… nhưng ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn để bám biển mưu sinh. “Từ đầu năm đến nay, gió mùa Đông Bắc nhẹ, trời êm, dấu hiệu dự báo biển được mùa. Chúng tôi tin tưởng năm Quý Tỵ 2013 sẽ là một năm thuận lợi không chỉ về thời tiết mà còn thuận lợi về nhiều mặt với người dân làm nghề biển” – anh Đoàn nói thêm.
Những ngày đầu năm đến làng chài Phước Hải, không khí chuẩn bị cho những chuyến ra khơi cũng rộn ràng không kém. Đến nhà ngư dân Nguyễn Thành Hùng (khu phố Hải Phúc, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) khi ông đang giặt lưới và các loại ngư cụ chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm. Ông Hùng cho biết, gia đình ông đã nhiều đời làm nghề biển, bản thân ông đã gần 40 năm gắn bó với biển nhưng chuyến ra khơi đầu năm với ông vẫn luôn là một ngày đặc biệt. Năm nay, mùng 6 Tết được xem là ngày tốt nhưng vì chưa đủ bạn (bạn ghe) nên sáng mùng 9 Tết ghe của ông Hùng mới ra khơi. Ông Hùng cho biết thêm, ghe của ông có công suất 380CV, thường đánh cào ở vùng biển cách bờ chừng 20 – 30 hải lý. Mỗi chuyến đi biển thường kéo dài 15 ngày đến 1 tháng, ngoài tài công còn có 15 – 17 bạn ghe khác. Để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đầu năm, ông Hùng đã mua 5.000 cây nước đá, nạp 8.000 lít dầu và các vật dụng thiết yếu khác. Ông Hùng nói: “Năm ngoái, mặc dù thời tiết chưa thuận nhưng trung bình mỗi chuyến biển chúng tôi mang về 10 tấn cá, tôm các loại. Năm nay, chúng tôi ra biển với một tinh thần phấn chấn hơn với hy vọng một năm thắng lợi, sản lượng cá tôm tăng cao, đánh đâu đặng đó…”.
Ngư dân Long Hải mua đá, nạp nhiên liệu ở cảng cá Long Hải (huyện Long Điền) cho chuyến ra khơi đầu năm.
Ngoài những vật dụng cần thiết cho mỗi lần ra khơi như thường lệ, trước khi khởi hành ra khơi vào ngày đầu xuân năm mới, bà con ngư dân thường tổ chức cúng ghe, cúng biển cầu cho trời yên biển lặng, được mùa cá tôm. Ông Bạch Văn Liễu, chủ ghe BV – 4816 (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, trong lễ cúng biển, cúng ghe đầu năm không thể thiếu các loại lễ phẩm như: xôi oản, thịt heo, thịt gà, thịt vịt; hoa quả, trầu rượu và bánh kẹo. Ông Liễu lý giải, các lễ vật để cúng được bày biện theo lòng thành của người đi biển nhưng theo quan niệm của ngư dân ở đây, trong các lễ vật không thể thiếu gà, vịt vì gà là loài vật thể hiện sức mạnh, nhạy cảm; còn vịt thì chuyên mò cua, bắt cá, để kiếm sống, rất gần với nghề đánh bắt của ngư dân. Cúng xong, tất cả anh em chủ bạn xúm lại bày dọn và cùng nhau ăn uống vui vẻ và bàn phương án làm ăn trong năm mới. Ông Liễu kể thêm, có nhiều ngư dân làm nghề biển lâu năm, họ rất “tín” cá Ông nên ngoài lễ cúng ở ghe, cúng biển, họ còn đến Dinh Ông Nam Hải (cũng ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) để thắp nhang cầu cho mưa thuận gió hòa, ngư trường lắm tôm nhiều cá như một thủ tục quan trọng trước chuyến ra khơi đánh bắt đầu năm.