Hoạt động đánh bắt thủy sản của ngư dân thời gian gần đây gặp không ít khó khăn. Do bị thua lỗ, nhiều ngư dân phải cho tàu nằm bờ. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư cao, đánh bắt không hiệu quả, giá thu mua nguyên liệu thấp, đầu ra sản phẩm không ổn định. Ngư dân mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ về vốn để họ tiếp tục duy trì việc đánh bắt xa bờ.
Hiệu quả chưa cao
Bạc Liêu hiện có gần 1.300 tàu cá, trong đó có 470 tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất 162.988,5 CV (mã lực) và số thuyền viên trên 6.800 người. Sản lượng thủy sản khai thác từ đầu năm đến nay đạt trên 63.000 tấn. Trong đó tôm 8.973 tấn, cá và các loại thủy sản khác là 54.330 tấn, đạt 63,94% kế hoạch và 100,93% so với cùng kỳ.
Huyện Đông Hải là một trong những địa phương có số lượng tàu đánh bắt thủy sản nhiều nhất tỉnh – gồm 608 chiếc. Tuy nhiên, hiện nay, không ít ngư dân cho tàu nằm bờ. Bởi, giá vật tư, tiền nhân công ngày càng tăng, trong khi một số mặt hàng thủy sản lại giảm giá. Chưa kể là mỗi khi ngư dân trúng mùa thì bị các vựa thu mua thủy sản ép giá.
Tàu đánh bắt thủy sản neo đậu tại huyện Đông Hải. Ảnh: K.T
Ông Lưu Văn Tỷ, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, cho biết: “Từ đầu năm đến nay, việc khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Mặc dù sản lượng tăng so với cùng kỳ, song, do giá cả bấp bênh, chi phí cho chuyến ra khơi tăng, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện tiếp tục phối hợp với Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh rà soát, thống kê một số mô hình khai thác hiệu quả để nhân rộng. Tiếp tục lắp đặt thêm 5 thiết bị kết nối vệ tinh thuộc dự án MOVIMAR cho phương tiện đánh bắt tầm xa”.
Cần được hỗ trợ
Để có phương tiện làm ăn, nhiều ngư dân phải vay tiền để mua sắm tàu. Vì vậy, họ còn nợ nần, chưa trả được. Nếu cứ tiếp tục làm ăn thua lỗ thì đời sống của họ sẽ gặp thêm khó khăn.
Ông Nguyễn Hiền Đức (ngư dân ở ấp II, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) than thở: “Năm nay, người làm nghề biển gặp nhiều khó khăn. Sản lượng đánh bắt giảm, giá thu mua nguyên liệu cũng giảm, nhưng chi phí đi biển thì tăng. Trung bình mỗi chuyến đánh bắt xa khơi, chủ tàu phải bỏ ra chi phí gần 200 triệu đồng. Vì vậy, mấy chuyến khai thác vừa qua tôi đều lỗ và phải đi vay tiền để trả. Cứ cái đà này, chắc tôi phải cho tàu nằm bờ!”.
Thực tế cho thấy, ngư dân đang gặp khó khăn lớn về vốn, cũng như kỹ thuật đánh bắt, bảo quản sản phẩm khi khai thác thủy sản xa bờ. Trong khi đó, cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngư dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các ngành, các cấp cần tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn để họ tiếp tục bám biển. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật khai thác, bảo quản thủy sản cho ngư dân. Và điều ngư dân mong mỏi là được Nhà nước hỗ trợ, tìm đầu ra cho sản phẩm ổn định để họ yên tâm, tiếp tục ra khơi bám biển.