Bạc Liêu: Mục tiêu trung tâm công nghiệp tôm cả nước

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Đang rất bận rộn với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhưng khi phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam đề nghị phỏng vấn, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đã vui vẻ sắp xếp thời gian tiếp vào buổi tối. Câu chuyện xung quanh chủ đề đưa Bạc Liêu thành Trung tâm công nghiệp tôm cả nước.

Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương để tỉnh Bạc Liêu thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu. Đến nay, việc triển khai xây dựng đã đạt được những kết quả nào?

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu được xây dựng tại xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu với diện tích 418,91 ha. Có hai phân khu: Khu Trung tâm rộng 103,31 ha để triển khai xây dựng dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu; Khu sản xuất, chế biến rộng 315,6 ha gồm nuôi tôm siêu thâm canh, nhà máy chế biến thủy sản, kho bãi (UBND tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt – Úc đầu tư).

Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Kênh thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện, trạm biến áp; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật (Cống thoát nước dọc, cống thoát nước ngang), hàng rào bao quanh. Hiện đang thi công, khối lượng đạt 80 – 90% giá trị hợp đồng. Với tổng mức đầu tư 175 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh, trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020. Dự kiến hoàn thành trong năm 2020.

Giai đoạn 2: Xây dựng nhà quản lý, điều hành; nhà kiểm nghiệm; nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; xây dựng hệ thống giao thông, xây dựng các công trình khác gồm: Hệ thống thông tin (tuyến cống, bể để kéo cáp thông tin); hệ thống cấp nước sinh hoạt (gồm các trạm cấp nước ngọt và trạm bơm cấp nước); khu xử lý nước thải tập trung và công trình phụ trợ khác. Hiện đang hoàn thành các thủ tục để đấu thầu; tổng mức đầu tư 345,168 tỷ đồng; nguồn vốn từ Bộ NN&PTNT.

Hiện, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đã có 34 doanh nghiệp đăng ký tham gia đầu tư trình diễn, nhưng trong Khu Trung tâm có phân ra 18 tiểu khu để doanh nghiệp tham gia trình diễn, nên tỉnh sẽ tuyển chọn 18/34 doanh nghiệp; hiện đã tuyển chọn được 9 doanh nghiệp, đang hoàn thành các thủ tục để giao đất. Đối với các viện nghiên cứu, trường đại học chưa đăng ký liên kết chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (do Khu Trung tâm chưa xây dựng cơ sở hạ tầng).

 

Nuôi tôm công nghệ cao là một thế mạnh tại Bạc Liêu với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu về thủy sản. Công nghệ này đã có sức lan tỏa như thế nào trong phát triển ngành tôm tại Bạc Liêu, thưa ông?

Bạc Liêu có gần 30 công ty, đơn vị đăng ký thực hiện nuôi TTCT siêu thâm canh theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng công nghệ nhà màng của Israel; công nghệ cho ăn tự động của Australia; công nghệ sinh học xác định tình trạng sức khỏe của tôm… với tổng diện tích 982 ha, tạo bước đột phá trong NTTS. Một trong những đơn vị tiêu biểu có thể kể đến như: Việt – Úc, Vĩnh Thịnh Biostadt, Trúc Anh, Hải Nguyên, Huy Long An – Bạc Liêu, Biển Bạc, Phúc Hậu, Tôm Việt, Toàn Cầu, Thành Sen, FAM Bạc Liêu, Song Phú, Đông Hải, Hưng Phú Gia, Ninh Thuận…

Công nghệ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao cũng đã lan tỏa đến các hộ dân khi có tới 331 hộ tham gia nuôi tôm 2 giai đoạn với tổng diện tích 1.268 ha, sản lượng thu hoạch năm 2020 ước đạt 47.500 tấn (năng suất bình quân 21,11 tấn/ha).

Đề án xây dựng Bạc Liêu thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước với tổng vốn 3.000 tỷ đồng, vậy những chương trình, dự án cụ thể nào sẽ được triển khai thực hiện, thưa ông?

Bạc Liêu hiện là tỉnh trọng điểm tôm của cả nước và được đánh giá có vai trò đóng góp khá lớn trong nhiều khâu “chuỗi cung ứng tôm” của ĐBSCL cũng như của cả nước. Trên địa bàn tỉnh tập trung nhiều nhà máy chế biến, xuất khẩu tôm có tổng công suất thiết kế đứng thứ 3 cả nước. Đến nay, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là phát triển nuôi tôm, với diện tích nuôi chiếm hơn 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh.

Việc xây dựng Đề án đưa Bạc Liêu thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước nhằm phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về sản xuất tôm của địa phương. Theo Đề án, sẽ có 5 chương trình được thực hiện là: Nâng cao chất lượng và phát triển sản phẩm chế biến tôm giá trị gia tăng; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành tôm; Hiện đại hóa máy móc thiết bị, công nghệ chế biến tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất sạch hơn trong chế biến tôm; Chọn giống tôm bố mẹ theo tính trạng tăng trưởng và khả năng kháng bệnh.

Cùng đó là các đề án, dự án động lực như: Đề án xây dựng sàn giao dịch tôm của tỉnh Bạc Liêu; Đề án nghiên cứu thành lập trung tâm thông tin và nghiên cứu thị trường ngành tôm Bạc Liêu. Dự án đầu tư hệ thống lưới điện phục vụ nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh trên địa bàn tỉnh; Các dự án đầu tư xây dựng vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao (9 vùng nuôi và 3 khu sản xuất giống); Dự án đầu tư xây dựng khu tập trung trung chuyển giống thủy sản tại TP Bạc Liêu; Dự án nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về ngành tôm để hỗ trợ sản xuất, quản lý, giám sát và nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp tôm; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tôm ứng dụng công nghệ cao; Các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sáu Nghệ (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!