Bắc Ninh: Nuôi cá lồng trên sông cho hiệu quả cao

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – So với nuôi cá trong ao, hồ, nuôi cá lồng trên sông có nhiều ưu điểm như tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cá ít bệnh, năng suất cao… Nhờ đó, trong những năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ mô hình này, giúp mang lại hiệu quả kinh tế.

Phát huy lợi thế

Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Bắc Ninh có 4.826,4 ha ao đất NTTS với sản lượng đạt 39.626 tấn và hơn 2.400 lồng nuôi cá trên sông. Nghề nuôi cá lồng tập trung chính tại các huyện Lương Tài, Gia Bình và Quế Võ, chiếm khoảng hơn 70% số lồng nuôi ở tỉnh. Hiện nay, nuôi cá lồng trên sông đã mở ra hướng đi mới, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân sinh sống ở các vùng ven sông.

Thời gian vừa qua, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp Công nghệ cao Bắc Ninh triển khai mô hình “Sử dụng thức ăn hỗn hợp dạng viên có hàm lượng protein từ 40% trở lên để nuôi thâm canh cá trắm đen bằng lồng trên sông”. Mô hình được triển khai tại 2 hộ ở xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, với quy mô 4 lồng nuôi.

Thu hoạch cá lồng trên sông tại xã Trung Kênh, huyện Lương Tài

Các hộ tham gia mô hình phải đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị phục vụ nuôi thâm canh cá lồng như: nhà làm việc, nhà kho, hệ thống lồng nuôi vững chắc… Các hộ tham gia mô hình đều thực hiện quy trình nuôi cá theo chuẩn VietGAP và được cấp giấy chứng nhận. Trước khi thả giống đều được Trung tâm tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiểm tra các yếu tố môi trường. Cá giống được chọn lựa từ đơn vị cung ứng cá trắm đen giống có uy tín, có vị trí địa lý gần nơi triển khai mô hình nhằm giảm stress do vận chuyển và nhanh thích nghi với môi trường nuôi mới. Cá giống đảm bảo chất lượng, kích cỡ đồng đều từ 1 – 1,2 kg/con, cá khỏe mạnh, không dị hình, không xây xát. Cá được thả với mật độ 10 con/m2 lồng và mỗi lồng thả thêm 3 – 5 con cá dọn bể để dọn sạch đáy lồng. Sau hơn 8 tháng nuôi, bình quân khối lượng cá trắm đen tại các điểm đạt: 5,54 kg/con, tỷ lệ nuôi sống trung bình: 95,5%, năng suất ước đạt 52,9 kg/m2 lồng.

Nhân rộng hiệu quả

Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Bắc Ninh cho biết, so với nuôi cá trong ao đất, nuôi cá lồng trên sông có nhiều thuận lợi như việc chăm sóc, quản lý, thu hoạch, năng suất cá nuôi lồng đạt sản lượng cao hơn rất nhiều, hiệu quả kinh tế đem lại cũng cao hơn so với nuôi ao.

Qua thống kê, mỗi lồng nuôi có thể đạt từ 4 đến 6 tấn, trong khi nuôi trong ao đất đạt 6,1 tấn/ha. Giá trị nuôi cá lồng mang lại bình quân từ 40 – 80 triệu đồng/lồng. Đối với các hộ nuôi cá trắm đen có lãi 180 triệu đồng/lồng/lứa; chép giòn đạt 181 triệu đồng/lứa; cá lăng vàng đạt 146 triệu đồng/lứa; trắm cỏ 56 triệu đồng/lứa.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn các địa phương, nghề nuôi cá lồng hiện nay cũng gặp những khó khăn như việc quy hoạch, quản lý còn thiếu đồng bộ; nhiều nơi phát triển mang tính tự phát dẫn đến phá vỡ trong quy hoạch phát triển nuôi lồng. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm nguồn nước và dịch bệnh làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cá và chất lượng sản phẩm; thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá các sản phẩm không ổn định; vốn đầu tư lớn, trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật.

Để nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt mang lại hiệu quả cao, thời gian tới các địa phương cần quy hoạch các vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, hạn chế tình trạng số lồng vượt quá quy hoạch. Bên cạnh đó, cần tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho nhân dân. Khuyến khích liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi. Tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản để đưa vào nuôi những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông của người dân; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, các đối tượng thủy đặc sản như cá lăng chấm, trắm giòn, chép giòn…

Ngọc Diệp

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!